Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:03 (GMT +7)
Bánh ngải cứu của người Tày ở Bình Liêu
17/10/2017 - 14:20 [GMT +7]
Bánh ngải cứu là món bánh truyền thống của dân tộc Tày ở Bình Liêu. Trước đây khi đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn thì bánh ngải thường chỉ được dùng trong các lễ hội mừng cơm mới, ngày tảo mộ, ngày lễ Tết hay những ngày lễ quan trọng của dân tộc Tày. Ngày nay, khi đời sống của các dân tộc ở vùng cao được nâng lên thì người Tày lại dùng bánh ngải như một món thực phẩm hàng ngày, vừa để làm thương phẩm lại vừa làm bánh ăn trong những ngày nông nhàn.
Bánh ngải cứu. |
Bánh ngải được làm bằng lá ngải cứu non và ngọn ngải cứu với bột gạo nếp. Ngải cứu còn được gọi là thuốc cứu, ngải diệp, là cây thân thảo, có thể sinh tồn trong nhiều năm. Lá ngải cứu có tác dụng cầm máu, trị nhức đầu, đau bụng, nôn mửa, sát trùng, kháng khuẩn… Với những công dụng kể trên, người Tày ở Bình Liêu đã tận dụng loại thực phẩm gần gũi với đời sống của bà con để làm nên món bánh ngải thơm ngon, dẻo ngọt này. Loại bánh này được người dân sử dụng như một vị thuốc điều hoà khí huyết, chống đau đầu, cảm cúm, nên được bày bán tại chợ chỉ với giá 3.000 đồng/cái, nhất là vào những ngày chợ phiên (Chủ nhật hàng tuần).
Để tìm hiểu về cách làm món bánh ngải chúng tôi đã tìm đến gặp bà La Thị Phương, khu Bình Công I, thị trấn Bình Liêu, huyện Bình Liêu. Bà Phương là người có kinh nghiệm làm bánh ngải lâu năm ở đây. Bà Phương cho biết, để làm ra được những chiếc bánh ngải có màu xanh bóng, căng tròn mà dẻo, ngon thì phải rất công phu, tỉ mỉ từ khâu chọn gạo, chọn đường đến chọn lá ngải. Theo phân tích của bà Phương, gạo làm bánh phải là gạo nếp ngon không được lẫn gạo tẻ, đường lẫn vào bánh phải là đường phên, có màu vàng, ngọt, không có sạn và lá ngải phải là những lá ngải tươi, non, có màu xanh thẫm. Gạo nếp đem ngâm nước nóng (khoảng 40 độ C) trong vòng 15 phút rồi vớt lên cho ráo nước và đem sát thành bột.
Bà La Thị Phương cho biết thêm, để khi ăn bánh ngải không có vị đắng thì lá ngải phải rửa sạch, sau đó lọc nước gio về luộc đến khi lá ngải nhừ nát rồi đổ lá ngải ra chậu to, rửa qua 3 đến 4 lần nước lã, ngâm khoảng 30 phút rồi vớt lên, sau đó đem giã thật mịn rồi trộn thật đều tay với bột gạo đã xay cho đến khi hỗn hợp bột gạo với lá ngải thành thứ bột sánh, mịn, dẻo quánh và có màu xanh của lá ngải, rồi cho lên bếp hấp đến khi chín mềm, lấy ra cho vào nồi hoặc xô đánh thật mịn rồi nặn thành bánh. Để bánh có vị thơm, ngon hơn, người dân thường hay cho nhân lạc rang giã nhỏ hoặc vừng trộn với đường.
Sau khi hoàn thành, bánh ngải có hình tròn và dẹt giống bánh dày của dân tộc Kinh, có mùi thơm của gạo nếp và mùi lá ngải, bánh rất dẻo, ăn vào có vị ngọt của đường, vị đắng nhẹ của lá ngải và cả vị thơm lừng của vừng hoặc lạc được rang. Bánh ngải là một loại bánh chay, rất dẻo, dễ ăn, không ngấy, không những không độc hại mà lại có nhiều tác dụng đối với sức khoẻ con người.
Nếu bạn có dịp đến huyện vùng cao Bình Liêu, hãy thử một lần thưởng thức món bánh lá ngải cứu thơm ngon, khó quên này. Đây là món ăn truyền thống của người Tày đã lưu truyền từ nhiều thế hệ. Mong rằng trong tương lai không xa, bánh ngải của người Tày Bình Liêu sẽ là món ẩm thực không thể thiếu đối với du khách khi đến với Bình Liêu.
Hoàng Gái - La Lành (Đài Bình Liêu)