Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 02:28 (GMT +7)
Cá hói nướng
17/10/2017 - 10:44 [GMT +7]
Cá hói có lớp da, vảy dày, gai ở sống lưng rất độc, thế nhưng chế biến thành món nướng lại rất hợp.
Cá hói hay nhiều nơi còn gọi là cá nâu hoặc cá beo dĩa. Sở dĩ có tên gọi trên bởi hoa văn trên lớp da cá hói. Cá hói có thân hình hơi dẹt, tròn với các đốm tròn to, màu nâu đen bố trí khá đều trên lớp vảy hơi vàng. Thoạt nhìn, trông khá giống da beo, da báo.
Cá hói to từ 2,5 đến 3 lạng, nguyên liệu tuyệt vời cho món cá nướng. |
Cá hói sống cả ở môi trường nước ngọt, nược lợ và nước mặn. Tuy nhiên, ở Quảng Ninh phổ biến cá hói nước mặn. Cá hói hay tập trung kiếm ăn quanh khu neo đậu nhiều tàu thuyền hoặc bè nuôi trồng thủy sản. Chúng ăn những mảnh vụn và tảo ở đáy biển, các loại côn trùng, giáp xác nhỏ, thậm chí ăn phân của những động vật khác. Có lẽ vì thế tên khoa học của nó là “Scatophagus”, nghĩa là “ăn phân”.
Tuy tên gọi không được “đẹp” nhưng thịt cá hói rất thơm ngon, được thực khách ưa chuộng. Cá hói còn được coi như một vị thuốc quý có thể chữa được suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, tốt cho phụ nữ trước và sau khi sinh nở.
Còn các cần thủ cũng rất ưa chuộng câu cá hói bởi câu loài cá này không quá cầu kỳ, chỉ cần mồi là giò hoặc bột mì, sang hơn là tôm tươi là được. Chọn khi nước “sổ” (nước lên) hoặc hơi chảy, thả hết cước tới đáy rồi kéo lên vài sải. Cá hói cắn và lôi rất khỏe nên giật và kéo cá lên rất “đã tay”.
Trong các chuyến đi câu ở các bè nuôi hải sản ở Tuần Châu (TP Hạ Long) hay Bến Do (TP Cẩm Phả), chúng tôi từng được người dân địa phương đãi các món ăn ngon từ cá hói. Ngoài nấu lẩu, nấu canh, cá hói đặc biệt thơm ngon khi đánh vảy, lột da nướng giòn. Độc đáo hơn cả có lẽ là để nguyên con chế biến món “cá hói nướng mọi” hay “nướng nguyên thủy” độc đáo.
Cá hói nướng phải chọn con to, dày mình, từ khoảng 2,5 đến 3 lạng trở lên mới nhiều thịt và đỡ nhão. Khâu sơ chế, làm cá rất quan trọng, phải lưu ý tránh vây cá rất độc, làm sạch lớp vảy dày. Đặc biệt cần mổ bụng, khéo léo tách lấy bầu mật tránh vỡ sẽ làm đắng thịt. Bầu mật cá hói còn là liều thuốc có tác dụng làm giảm căng thẳng, mệt mỏi, đau lưng... rất tốt. Cá sau khi làm sạch, đánh hết lớp vảy dày được khứa chéo ướp gừng, xả, hành khô, xát ớt, gia vị... để ngấm khoảng 20 phút. Cá được xiên hoặc bỏ vào vỉ nướng đều trên bếp than hoa. Nướng với lửa vừa phải, lật cá liên tục cho tới khi chín vàng.
Đối với món “cá hói nướng nguyên thủy”, cá tươi chỉ cần rửa sạch, để nguyên con nướng. “Cá hói sống ở các vùng nước mặn ăn rong rêu, giáp xác nên khá sạch, có thể không cần làm ruột. Cẩn thận hơn chỉ cần mổ bỏ khúc ruột sát dưới cùng. Cá không cần đánh vẩy, để nguyên vào kẹp cho lên bếp than hoa, quạt lửa nướng cho tới khi vàng suộm lớp vảy, da nứt ra là chín. Cá hói chín qua lớp da, vảy dày nên thịt được nướng chín tự nhiên, không bị khô, mất nước, giữ được hương vị thơm ngon vốn có” chị Nguyễn Thị Huyên, đầu bếp nhà hàng Trang trại Việt (Tuần Châu) chia sẻ bí quyết.
Cá bỏ lên đĩa, bề ngoài đã nguội nhưng phần trong vẫn nóng hổi. Bóc bỏ lớp vảy, da dày lộ ra lớp thịt trắng, dày, nóng hổi, thơm phức, bốc khói nghi ngút. Cá hói chấm với muối ớt, mắm cá hoặc xì dầu tùy sở thích, ăn kèm với lá mui biển hoặc cuộn với lá cải cay thì thật tuyệt.
Hà Phong