Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 15:04 (GMT +7)
Các Di tích lịch sử - đền, chùa tiêu biểu ở Quảng Ninh
03/08/2017 - 16:02 [GMT +7]
Khu Di tích nhà Trần ở Đông Triều
Đền và lăng mộ nhà Trần thuộc xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, nằm rải rác trong một khu đất rộng có bán kính 20km để thờ "Bát Vị Hoàng Đế" thời Trần.
Đền và lăng mộ nhà Trần được xây dựng thời nhà Trần, được trùng tu vào thời Hậu Lê và thời Nguyễn, quần thể di tích gồm một đền và 8 lăng mộ.
Trải qua thời gian và thăng trầm của lịch sử, khu vực này đã bị hư hỏng nặng. Ngày nay với ý thức và lòng tự hào dân tộc nên khu đền Sinh và các lăng mộ nhà Trần đang dần được quan tâm khôi phục đúng với tầm cỡ của nó để bảo tồn và phát huy một di sản văn hoá quý báu của dân tộc và góp phần giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, tạo thành một khu di tích thu hút du khách bốn phương.
Khu đền Sinh thuộc thôn Nghĩa Hưng là nơi thờ chung 8 vị vua Nhà Trần và lăng mộ của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Giản Định Đế. Lăng mộ Trần Anh Tông ở khu trại Lốc, lăng Trần Minh Tông ở khu Khe Gạch, lăng Trần Hiến Tông ở khu Ao Bèo, lăng Trần Dụ Tông ở khu Đống Tròn, lăng Trần Nghệ Tông ở khu Khe Nghệ.
Ngoài việc xây dựng điện miếu ở mỗi lăng làm nơi thờ cúng, triều đình còn cho xây dựng ở khu đền Sinh nhiều toà điện miếu lớn để làm nơi tế lễ bái yết và cắt cử các quan về trông coi cẩn thận. Toàn bộ khu vực này trở thành thánh địa tôn nghiêm qua các triều Trần, Lê, Nguyễn.
Đền An Sinh (Đông Triều)
Năm 1381, để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp phá, triều đình đã cho chuyển các lăng mộ ở Quắc Hương Thái Đường, Kiến Xương về An Sinh Đông Triều, Quảng Ninh. Điện An Sinh đã trải qua nhiều lần tôn tạo và xây dựng lại, song đầu thế kỷ XX điện cũng chỉ còn là phế tích. Năm 1997, UBND huyện Đông Triều đã kêu gọi công đức của khách thập phương, khởi công xây dựng lại một ngôi đền mới trên khu vực đất của điện An Sinh để thờ tám vị vua Trần gọi là đền An Sinh. Năm 2000 đền An Sinh được hoàn thành với kiến trúc chữ công gồm tiền đường, trung đường và hậu cung. Sân đền trồng tám cây vạn tuế tượng trưng cho sự vĩnh hằng của tám vị hoàng đế triều Trần được thờ ở đây.
Ðình Yên Giang (An Hưng đền):
Ðình Yên Giang nằm trên một gò đất cao ở trung tâm xã Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử số 310 QÐ/BT ngày 13-2-1996 (bổ sung vào di tích bãi cọc Bạch Ðằng). Ðình xây dựng thế kỷ 16 nhưng đã trải qua nhiều lần trùng tu xây dựng năm 1952; 1993 được xây dựng lại như ngày nay. Ðình thờ Thành Hoàng làng là vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Ðạo. Ðình Yên Giang và đền Trần Hưng Ðạo có mối quan hệ mật thiết với nhau. Ðền thờ Trần Hưng Ðạo là nơi thờ thường xuyên thành Hoàng của Làng. Do vậy vào các ngày sinh, ngày hoá của Trần Hưng Ðạo vào ngày giỗ trận (ngày 8/3 âm lịch, ngày chiến thắng Bạch Ðằng 1288) và các dịp làng có sự như cầu mưa, cầu phước...dân làng đều rước tượng Trần Hưng Ðạo từ đền về đình để tế lễ, cầu xin Thành Hoàng làng che chở. Ðình kiến trúc theo kiểu chữ Ðinh (J) gồm 5 gian tiền đường, 3 gian bái đường và 1 gian hậu cung. Hiện nay đình còn lưu giữ được một bát hương sứ thời Lê, 2 bia đá chạm nổi trên trán và diềm hình rồng thời Nguyễn, câu đối, đại tự và 6 đạo sắc của các vua triều nguyễn phong cho Thành Hoàng làng Trần Hưng Ðạo, 5 long ngai, 1 bộ kiệu Bát Cống và long đình được chạm trổ kênh bong sắc nét hình rồng và hoa văn hoa lá sơn son thếp vàng thời Nguyễn. Lễ hội đình Yên Giang gắn bó mật thiết với đền Trần Hưng Ðạo - miếu Vua Bà và bãi cọc Bạch Ðằng vào ngày 8/3 âm lịch, kỷ niệm ngày chiến thắng Bạch Ðằng năm 1288. Ngoài ra đình còn có 2 lần hội nữa đó là ngày 20/8 âm lịch (ngày mất của Trần Hưng Ðạo) ngày 24, 25, 26 âm lịch là ngày đại kỳ phước tức tạ ơn Thành Hoàng, Thổ địa đã ban phúc cho đồng điền phong đăng hoà cốc.
Ðền Trung Cốc
Ðền Trung Cốc nằm trên gò đất cao ở giữa thôn Ðông Cốc, xã Nam Hoà, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, đã được Bộ Văn hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử số 310 QÐ/BT ngày 13-2-1996 bổ sung cho di tích bãi cọc Bạch Ðằng. Ðền được xây dựng từ lâu bằng tranh tre, đến năm Gia Long thứ 6 (1807) xây dựng lại như ngày nay. Ðền thờ anh hùng dân tộc Trần Quốc Tuấn và Phạm Ngũ Lão. Tương truyền, để chuẩn bị cho xây dựng bãi cọc đồng Vạn Muối ở cửa Sông Kênh, 2 ông đã bị cạn thuyền gò đất thôn Ðông Cốc (ngày nay) và phải huy động dân binh, thuyền chài tới kéo thuyền ra. Ðể ghi nhớ sự kiện này, sau chiến thắng Bạch Ðằng, nhân dân đã lập đền thờ ngay tại chỗ thuyền bị mắc cạn trước đây.
Đình Trung Bản
Là nơi thờ Trần Hưng Đạo, gồm các hạng mục: tả vu, hữu vu, nghi môn trụ biểu, cuốn thư trấn môn, nhà khách, nhà phụ trợ, sân vườn, tường bao... Trong đình hiện còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật giá trị, có niên đại vào khoảng cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn, như bộ kiệu bành bát cống, quán tẩy, bia đá, sắc phong...
Đền Thái (Đông Triều)
Đền Thái nằm trên một ngọn đồi thấp có tên là Đồi Đình thuộc thôn Trại Lốc, xã An Sinh, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Đền được xây dựng từ thời Trần và là nơi thờ ba vị vua đầu tiên của triều Trần là Trần Thái Tổ (Trần Thừa - Bố của Trần Thái Tông, được vua Trần Thái Tông tôn lên làm Thượng Hoàng), Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông. Trải qua thời gian dài bị thiên nhiên và chiến tranh huỷ hoại, tàn phá, đền chỉ còn là phế tích. Năm 1993, nhân dân trong vùng xây dựng lại ngôi đền nhỏ như ngày nay và đặt tên chữ là Đại Vương đền, tên thường gọi là đền Thái.
Chùa Ngoạ Vân (Đông Triều)
Chùa Ngoạ Vân nằm trên núi Bảo Đài, thuộc dãy núi vòng cung Đông Triều, thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Cụm di tích chùa Ngoạ Vân thuộc dãy núi chạy từ Yên Tử sang, ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển, dựa lưng vào vách núi, ở một địa thế đẹp trên cả phương diện cảnh quan và phương diện phong thuỷ, có tả thanh long, hữu bạch hổ, sau có chẩm, trước có án, xa hơn là trường lưu thuỷ, vị trí chùa phải gọi là đắc địa. Chùa Ngoạ Vân xưa là am Ngoạ Vân, nơi Trần Nhân Tông đã từng tu hành và viên tịch tại đó.
Chùa Hồ Thiên (Đông Triều)
Chùa Hồ Thiên nằm ở phía Nam của núi Phật Sơn (thuộc dãy núi Yên Tử) xa xưa thuộc Phú Ninh, tổng Thuỷ Sơn, nay thuộc xã Bình Khê, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Chùa được xây dựng vào thời Trần, theo tài liệu cũ thì đây chính là nơi đăng đàn thuyết pháp của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Vào thế kỷ thứ XIV, khi Pháp Loa kế tục sự nghiệp của Trần Nhân Tông, ông đã cho xây dựng ở đây hàng chục công trình lớn nhỏ khác nhau, quy mô đồ sộ như chùa chính, khu nhà bia, khu tăng xá, khu vườn tháp... để làm nơi truyền kinh giảng đạo. Đến thời Lê chùa đổ nát và đã được triều đình đứng ra trùng tu.
Chùa Tuyết (Đông Triều)
Chùa Tuyết có tên chữ là “Trung Tiết tự”, là ngôi chùa thứ ba nằm trong khu di tích kiến trúc Phật giáo đời Trần. Chùa nằm rất gần với khu đền An Sinh, được xây dựng vào thời Trần, ngoài việc thờ Phật, chùa còn thờ cả hai vị thánh ở đời Trần là Đặng Tảo và Lê Chung - hai vị cận thần tin cẩn của vua Trần Anh Tông. Theo sử cũ, khi vua Trần Anh Tông mất, nhà Trần đã đưa linh cữu về táng ở Thái Lăng thuộc An Sinh thì hai vị cận thần này cũng chuyển cả gia đình về đây để trông coi phần mộ của vua, dựng chùa để thờ phật và ở đây cho đến cuối đời.
Chùa Quỳnh Lâm (Đông Triều)
Ngôi chùa được bài thơ nhắc đến chính là Quỳnh Lâm Tự. Ngôi chùa nằm ở trung tâm xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh (xưa kia là xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, phủ Kinh Môn, tỉnh Hải Dương). Chùa tọa lạc trên một ngọn đồi thoai thoải gọi là núi Tiên Du nằm trong hệ thống triền đồi chạy từ núi Yên Tử, Ngọa Vân xuống đồng bằng. Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng ở thế đất “Đầu gối sơn, chân đạp thủy” mà dân gian vẫn gọi là thế đất “Rồng chầu, Hổ phục”. Bốn góc chùa có bốn gò đất cao được coi là “Bốn mắt Rồng” tứ trấn xuyên thấu tâm sinh. Theo truyền thuyết dân gian thì Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời Lý Thần Tông do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Dân gian truyền lại rằng, khi dựng chùa ông đã cho đúc một pho tượng phật Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng, pho tượng này được coi là một trong “Thiên Nam tứ đại khí”, pho tượng được đặt trong tòa điện cao bảy trượng. Trải qua bao biến cố và thời gian nhưng hiện nay trước sân chùa vẫn còn lưu lại tấm bia đá cao 2,46m; rộng 1,53m và dày 0,25m có khắc hình rồng thời Lý nên ta biết chùa có từ thời Lý. Đến thời Trần do có vị trí là cửa ngõ nối trung tâm phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với một số ngôi chùa khác trong vùng nên chùa đã được mở rộng và đầu tư xây dựng.
Các vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa này và xây dựng Quỳnh Lâm trở thành trung tâm phật giáo của cả nước. Từ đó Quỳnh Lâm trở thành một giảng đường quy mô giảng kinh của đạo phật và cũng từ đó Quỳnh Lâm có thêm thiền viện với tên “Viện Quỳnh Lâm”- Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở nước ta. Chính từ nơi đây đã đào tạo hàng trăm tăng ni phật tử và in nhiều kinh phật để truyền bá khắp mọi nơi.
Chùa Quỳnh Lâm đã trải qua bao thời gian và bao biến cố thăng trầm, lúc chiến tranh, khi thiên tai hỏa hoạn, có khi chỉ còn lại dấu tích. Thế nhưng ngôi chùa đã từng “Nức tiếng xứ Đông” ngày xưa ấy vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Hàng năm cứ đến ngày 4 tháng 2 (Âm lịch) du khác các nơi lại đổ về trảy hội Quỳnh Lâm.
Chùa Cảnh Huống (Chùa cảnh đẹp) (Đông Triều)
Đây là một ngôi chùa cổ có từ thời nhà Trần (Thế kỷ thứ XII-XIV). Chùa gắn liền với sự tích vua Trần Nhân Tông sau khi lãnh đạo nhân dân chống quân xâm lược dành chiến thắng lần thứ 2 tại sông Bạch Đằng đã về lập chùa trụ trì tại đây và khắc thơ trên vách núi. Trải qua thời gian chiến tranh chùa đã bị tàn phá nhiều lần. Lần trùng tu lớn nhất là vào thời Lê năm 1664. Chùa từng được sử dụng làm căn cứ địa Cách mạng thời chống pháp, nơi nuôi dưỡng thương binh thời chống Mỹ. Chùa nằm trong khung cảnh núi non hữu tình và có diện tích là 36.000 mét vuông gồm 3 gian nhà thờ. Bên phải chùa một mái là đền thờ tổ, được sửa lại năm 1987. Bên trong: thờ tấm bia ghi tên 8 vị thủy tổ có công khai lập làng. Tiếp theo bên cạnh nhà thờ là bàn cờ Tiên dưới một tảng đá lớn tạo thành mái che rộng, bên trong khắc một bàn cờ trên phiến đá. Tục truyền có hai vị tiên ông thường xuống đây chơi cờ, sau này trở thành chỗ chơi cờ của các cụ trong làng.
Chùa Hoa Yên (Yên Tử)
Nằm trên lưng chừng núi ở độ cao 516m, chùa Hoa Yên là ngôi chùa to nhất và đẹp nhất nên còn gọi là chùa Cả. Chùa này vốn được dựng từ đời Lý. Chùa Hoa Yên vốn có tên là Vân Yên (mây khói), đặt với hàm ý:chùa tận trên núi cao quanh năm mây phủ, mây lững lờ trôi, trắng nhẹ như mây khói trên núi. Từ khi Vua Lê Thánh Tông lên vãn cảnh, thấy sắc hoa tươi đẹp nên cho đổi là chùa Hoa Yên. Chùa Hoa Yên ở độ cao 535m so với mực nước biển, là ngôi chùa chính của cả hệ thống chùa ở Yên Tử. Trên 700 năm trước chùa chỉ là một thảo am để Đe Nhất Tổ Trần Nhân Tông giảng đạo.
Nhìn theo thế núi, chùa Hoa Yên tọa lạc nơi đầu rồng, núi nhô ra như trán, mũi, hàm rồng. Đôi mắt rồng ở ngôi Tháp Tổ, hai dãy núi tây, đông vươn về nam ôm lấy con đường hành hương dưới chân núi Giải Oan như đôi cánh tay rồng. Xét về mặt tâm linh, chùa Hoa Yên là nơi giao hội của trục linh (trục tung) và trục tú (trục hoành), hai bên tả hữu vươn ra như hai tay ngai (tả long thanh, hữu bạch hổ) theo luật phong thủy, đây là vị trí đất quý hiếm.
Chùa Đồng (Yên Tử)
Chùa Đồng có tổng trọng lượng gần 70 tấn, nằm ở đỉnh Bạch Vân Sơn thuộc khu di tích danh lam Yên Tử (Đông Triều - Quảng Ninh). Chùa Đồng tên chữ là "Thiên Trúc Tự" mang tên đất nước của Phật Tổ Như Lai, phù hợp với vị trí "Vô Thượng" của đỉnh Yên Tử. Toạ lạc trên độ cao 1.068m, chùa Đồng (Yên Tử) đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam ghi nhận là ngôi chùa đồng lớn nhất và nằm ở độ cao nhất cả nước. Đây cũng là ngôi chùa được xếp vào hàng độc đáo nhất trên thế giới.
Tương truyền rằng đỉnh Yên Sơn (nơi đặt chùa Đồng) trước kia được gọi là "núi thiêng" - nơi có thể cầu mưa, hô phong hoán vũ. "Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa đi Yên Tử chưa thành quả tu" - Yên Tử linh thiêng là thế và cũng hấp dẫn mọi người vì thế. Tại điểm đặt chùa Đồng ngày nay, xưa là một ngôi chùa bằng Đồng có quy mô nhỏ. Trong chùa thờ tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, chuông và đồ thờ đều bằng đồng sau thất lạc. Vào thời Lê - Trịnh, một nội nhân họ Trịnh dựng lại chùa mái lợp bằng đồng. Chùa xưa không còn, dấu tích còn lại là những lỗ chân cột đục sâu vào nền đá. Đây là ngôi chùa Đồng thứ tư được xây dựng trên đỉnh núi Yên Tử. Ngôi chùa Đồng đầu tiên được xây dựng từ thời Vua Cảnh Hưng (hậu Lê, năm 1780). Ngôi chùa Đồng đầu tiên này bị thiên nhiên làm hư hại, sau đó bị kẻ gian lấy cắp.
Ngôi chùa thứ hai bằng bê tông cốt đồng được dựng năm 1930, do bà Bùi Thị Mỹ (chùa Long Hoa) thiết kế. Ngôi chùa thứ ba được dựng năm 1993 từ đóng góp hảo tâm của ông Nguyễn Sơn Nam (Việt kiều Mỹ). Nhà nghiên cứu Phật giáo Trần Ngọc Hằng (Giáo hội Phật giáo Việt Nam) đánh giá: "Chùa Đồng giá trị không chỉ ở chất liệu đồng. Đồng ở đây còn phải được hiểu là chữ "đồng" trong quan niệm người Việt - đồng lòng, đồng nhất, đồng chí, đồng tâm hiệp lực. Trong thời đại mới, chữ "đồng" với ý nghĩa "đại đoàn kết" vẫn luôn là bài học của cả dân tộc. Với ý nghĩa to lớn như vậy, chắc chắn ngôi chùa Đồng lần này sẽ trường tồn cùng dân tộc". Ngày 03 tháng 6 năm 2006 dưới sự chủ trì của Tiến sĩ Phật học Đại Đức Thích Thanh Quyết (Thượng Tọa Thích Thanh Quyết) và Ban Quản lý Dự án chùa Đồng, bằng công đức thập phương trong và ngoài nước đã khởi lễ đúc chùa Đồng. Chùa được khánh thành vào ngày 30 tháng 01 năm 2007, tọa lạc trên đỉnh non thiêng ở vị trí giữa hai ngôi chùa được xây dựng trước đây.
Chùa Đồng hiện nay là một công trình độc đáo nhất Đông Nam Á, trọng lượng 70 tấn, chiều dài 4,6m, chiều rộng 3,6m, cao 3,35m. Chùa mang vóc dáng một đài sen nở. Trong chùa thờ Phật Thích Ca Mâu Ni và Tam Tổ Trúc Lâm Yên Tử.
Chùa Ba Vàng (TP Uông Bí)
Toạ lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, chùa còn có tên gọi là Bảo Quang tự (có nghĩa là ánh sáng quý), tên dân gian thường gọi là Ba Vàng. Chùa nằm ở độ cao 340m. Bên trái là những dãy núi Thanh Long trùng điệp chầu về, bên phải là những dãy núi Bạch Hổ hùng vĩ phục xuống. Theo nội dung khắc trên cây hương đá trước cửa chùa thì chùa xưa được dựng vào năm Ất Dậu, triều vua Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh (tức năm 1706) và ngôi chùa lúc đó được gắn liền với tên tuổi Ngài Trúc Lâm Ma Ha Sa Môn Tuệ Bích Phổ Giác (1659-1758). Tuy nhiên, căn cứ vào những dấu tích di chỉ được các nhà khảo cổ thêm thì ngôi chùa còn có thể được xây dựng từ sớm hơn, tức là vào thời Trần thế kỷ thứ 13. Tuy nhiên chùa xưa chỉ còn là phế tích, để phát huy giá trị văn hóa lịch sử ngôi chùa liên tiếp được đầu tư tôn tạo. Ban đầu chùa được xây dựng bằng gỗ và sau đó năm 1993 chùa được trùng tu lại bằng xi măng.
Hiện vật đáng chú ý nhất của chùa Ba Vàng còn sót lại tới hôm nay là một số di vật bằng đá, bao gồm 1 bia đá cao 0,52m, rộng 0,38m, dày 0,12m, 2 con rùa đá và 1 cây hương bằng đá cao 1,2m 4 mặt, mỗi mặt rộng 0,22m. Theo dòng chảy thời gian, chữ Hán trên bia đá và cây hương đá đã mòn, rất khó đọc. Riêng cây hương bằng đá, phần lớn chữ ở mặt bia đã bị phai mờ, chỉ còn lại một số chữ lớn giáp đầu bia ghi các chữ: Thành Đẳng Sơn, Bảo Quang tự, Thiên đài trụ. Nghĩa là trụ đài đá chùa Bảo Quang, núi Thành Đẳng.
Năm 2010, UBND tỉnh Quảng Ninh với thành ý muốn xây dựng nơi đây làm trung tâm hoằng pháp của tỉnh; là nơi bảo tồn những giá trị văn hóa Phật giáo nói chung và văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nói riêng. Theo quy hoạch, công trình chùa được xây dựng trên diện tích khoảng 22.00ha, trong đó đất dành cho cây xanh cảnh quan chiếm hơn nửa. Tổng mức đầu tư của công trình khoảng 280 tỷ đồng.
Chùa mới có đặc trưng của các ngôi chùa Bắc Bộ, gồm 3 gian bái đường, 1 gian hậu cung, gồm có các ban thờ Phật, thờ Mẫu và Đức Ông. Toà “Đại hùng bảo điện” (chùa chính) có quy mô nhất với kiến trúc 2 tầng. Chùa Ba Vàng có nơi thờ Tam bảo và trống độc mộc được công nhận là lớn nhất Việt Nam. Hệ thống tượng pháp trong chùa làm bằng gỗ có cũng có kích thước lớn như tượng Tam thế, Quan âm, ông Thiện, ông Ác… đều cao từ trên 2m trở lên. Trong đó, pho tượng A Di Đà là một trong những tượng Phật bằng gỗ vào loại lớn nhất miền Bắc. Trong chùa còn có một giếng cổ nước không bao giờ cạn. Tương truyền, ai mà uống được nước lấy từ giếng sẽ khỏe mạnh và khỏi bách bệnh.
Đây không chỉ là nơi để tu tập cho những người đến để học Phật, hiểu Phật và tu Phật, chùa Ba Vàng còn hội đủ các yếu tố của một điểm du lịch sinh thái, văn hoá - lịch sử và là điểm đến của tăng ni, phật tử, khách thập phương trong và ngoài nước.
Chùa Yên Đông (TX Quảng Yên)
Có từ khoảng (1470-1500) và tồn tại gần 500 năm. Chùa được trùng tu nhiều lần vào các năm: Năm Đoan Thái thứ 2 (1587), trùng tu tái tạo khang trang; Năm Đoan Thái thứ 3 (1588) tôn tạo 8 pho tượng Phật và các năm 1590 - 1591 - 1832 - 1861 - 1868 - 1872 - 1876 - 1879 - 1921 - 1923 - 1931 - 1954, và gần đây là năm 1989, năm 1996 và năm 2003.
Chùa Yên Đông là một ngôi chùa cổ, kiến trúc theo kiểu chữ Đinh, 5 gian Bái đường và 3 gian Hậu cung, nhà Tổ, nhà sắp lễ, nhà khách, nhà Ni, nhà bếp, Tam quan, sân, vườn tháp, vườn chùa. Chùa hiện còn lưu giữ 110 cổ vật có giá trị.
Đền Trần Hưng Đạo (TX Quảng Yên)
Khu đền thờ về phía trái với 4 trụ biểu cao uy nghi. Bốn trụ tạo thành ba lối đi rộng thay cho tam quan. Mỗi trụ có câu đối chữ Hán, có hoa văn, có đắp tượng long giao nghê chầu. Lối đi qua cổng và sân Đền đều lát gạch Bát Tràng, nhìn từ ngoài vào, có bình phong kiểu uốn thư bằng xi măng giả đá xanh, hoa văn tỉ mỉ công phu. Sân Đền rộng có thể chứa hơn nghìn người. Đền thờ Trần Hưng Đạo gồm ba gian tiền đường, hai gian bái đường và một gian hậu cung. Hiện vật quý còn giữ lại trong đền là một số câu đối ca ngợi công lao to lớn của Trần Hưng Đạo. Ngay trước tam cấp lên tiền đường có lư hương bằng đá xanh cao cả mét, hai cây đèn đá kiểu Nhật cao hơn lư nhang. Hai bên hông Đền có 2 nhà bia khá lớn.
Miếu Vua Bà (TX Quảng Yên)
Miếu Vua bà đặt cạnh đền thờ Trần Hưng Đạo bên dòng sông Bạch Đằng lịch sử thuộc phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Theo các cụ quản lý di tích miếu Vua Bà kể lại: Xưa kia có bà bán hàng nước bên gốc cây Quyếch cổ thụ. Trước khi trận chiến Bạch Đằng xảy ra, Trần Hưng Đạo đã đi thị sát vùng cửa sông Bạch Đằng và đã hỏi bà hàng nước về con nước thủy triều lên xuống. Bà hàng nước đã cung cấp tỷ mỉ về lịch con nước lên xuống góp phần tạo chiến thắng lẫy lừng năm 1288. Sau khi thắng giặc, Trần Hưng Đạo đã quay lại tìm bà hàng nước nhưng không tìm thấy, liền phong bà làm Quốc mẫu vua bà và lập miếu thờ bên cạnh cây Quyếch cổ thụ. Lễ hội đền Trần Hưng Ðạo, miếu Vua Bà được diễn ra vào ngày 8/3 âm lịch hàng năm cùng với bãi cọc Bạch Ðằng, đình Yên Giang, đền Trung Cốc và đình Trung Bản nhân kỷ niệm chiến thắng Bạch Ðằng lịch sử 1288.
Chùa Giữa Đồng (TX Quảng Yên)
Chùa Giữa Đồng thuộc địa phận Phường Nam Hòa - Quảng Yên - Quảng Ninh được dân Đồng Cốc xây dựng khoảng năm 1797 có tên là chùa Giữ Đồng, sau này đổi tên thành chùa Giữa Đồng. Chùa tọa lạc giữa cánh đồng, có không gian rộng, nhiều cảnh quan đẹp. Trong chùa hiện có chuông đồng và 2 tấm bia đá cổ và nhiều pho tượng Phật, đồ thờ có giá trị. Ngày lễ hội chính: mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm.
Chùa Đống Phúc (TX Quảng Yên)
Được hình thành từ đời Lý và tiếp tục phát triển vào các đời sau, có nhiều đóng góp trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Thời Trần, trước trận chiến trên sông Bạch Đằng lịch sử năm 1288, vua tôi nhà Trần đã vào chùa làm lễ dâng hương cầu cho thắng giặc Nguyên Mông và quốc thái, dân an; sau chiến thắng, nhà chùa đã làm lễ cầu siêu cho các chiến sỹ trận vong. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, chùa trở thành cơ sở hoạt động cách mạng, trụ sở các cơ quan, trường học.
Chùa Lôi Âm (TP Hạ Long)
Là cái tên còn khá xa lạ với du khách thập phương nhưng với người dân Quảng Ninh, chùa Lôi Âm lại rất nổi tiếng với phong cảnh hữu tình, linh thiêng và cổ kính. Thuộc phường Đại Yên, thành phố Hạ Long, du khách đến chùa phải ngồi thuyền chừng 15 phút rồi tiếp tục leo bộ chừng nửa tiếng theo triền dốc thoai thoải. Hành trình thăm viếng sẽ bắt đầu từ chùa Lôi Âm tọa lạc trên một vùng đất rộng, bằng phẳng, xung quanh là cây cối um tùm, trầm lắng. Theo con đường nhỏ phía bên phải chùa sẽ dẫn đến ban thờ Mẫu, đi tiếp qua triền đồi là Hang Cậu hướng ra lòng hồ Yên Lập.
Chùa Long Tiên (TP Hạ Long)
Nằm dưới chân núi Bài Thơ, chùa Long Tiên là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng bậc nhất ở Hạ Long. Vào mùa trẩy hội ở Quảng Ninh, người ta gọi chùa Long Tiên là chùa Trình, bởi ai cũng muốn đến chùa Long Tiên dâng hương trước rồi mới tiếp tục hành hương tới Yên Tử, tới hội đền Cửa Ông...
Được xây dựng vào năm 1941, chùa mang phong cách kiến trúc và điêu khắc thời nhà Nguyễn, kiểu chồng giường giá chiêng và những họa tiết trang trí rồng phượng, hoa văn cách điệu. Bước vào cổng tam quan là khoảng sân rộng đặt tượng Bồ Tát quan thế âm. Chính điện thờ Phật, bên phải thờ các tướng lĩnh nhà Trần, bên trái là cung Tam Phủ Thánh Mẫu.
Đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn (TP Hạ Long)
Nằm trong quần thể di tích lịch sử văn hoá núi Bài Thơ đã được nhà nước xếp hạng, ngôi đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn (nằm ở khu vực Bến Đoan, TP Hạ Long) được rất nhiều du khách biết đến, đặc biệt là ngư dân vùng biển... Đây là một ngôi đền nhỏ, có vị trí khá đẹp. Đền được xây dựng trên một nền đất cao, mặt hướng ra Vịnh Hạ Long, cạnh con đường bao biển núi Bài Thơ mới được xây dựng, nên khá thuận lợi cho du khách đi lại tham quan, vãn cảnh.Theo sử sách, đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII. Đức ông Trần Quốc Nghiễn là con trai cả của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, cháu đích tôn của An sinh vương Trần Liễu, cháu ruột của vua Trần Thái Tông. Trải qua thời gian, chiến tranh, ngôi đền bị xuống cấp và đã được trùng tu lại rất nhiều lần.
Bắt đầu từ năm 2008 đến nay, lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn được phục dựng lại và được tổ chức vào dịp 29 và 30-4 hàng năm. Lễ rước thần trong Lễ hội đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn.
Đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả)
Đền Cửa Ông thuộc thành phố Cẩm Phả là nơi thờ phụng Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng cùng nhiều nhân vật nổi tiếng thời nhà Trần. Cũng như chùa Cái Bầu, đền Cửa Ông tọa lạc trên ngọn đồi cao nhìn thẳng ra vịnh Bái Tử Long. Chỉ có khác là từ đây, ngoài biển cả mênh mông, toàn cảnh thành phố công nghiệp khai thác vàng đen gói trọn trong tầm mắt. Không chỉ dâng hương tại hai cụm kiến trúc là đền Thượng và đền Hạ, du khách còn được thưởng thức đặc sản có một không hai bày bán dọc lối vào đền là bánh Tày nồng ệp.
Chùa Cái Bầu (Vân Đồn)
Dù mới được khánh thành năm 2009 nhưng với thế tựa lưng vào núi, hướng mặt ra biển, Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (hay còn gọi là chùa Cái Bầu) ở Vân Đồn hiện thu hút đông đảo du khách thập phương đến du xuân vùng Đông Bắc. Chùa nằm cách trung tâm thị trấn Cái Rồng, Vân Đồn khoảng 10km, ngoài phương tiện cá nhân, du khách có thể đến chùa bằng xe buýt.
Chùa Quan Lạn (Vân Đồn)
Chùa nằm trong khu di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng gồm: chùa Quan Lạn, đình Quan Lạn, đền Vân Hải, miếu Đức Ông. Chùa thuộc Hệ phái Phật giáo Bắc tông. Tam quan chùa được xây khá lớn vào năm 1953. Cổng giữa có tầng lầu treo quả đại hồng chung. Sau tam quan là đài Quan Âm được xây năm 2002. Ngôi chánh điện được trùng tu nhiều lần, lần trùng tu mới nhất do Sư cô trụ trì Thích Nữ Trung Thế tổ chức vào năm 2004. Mái ngôi chánh điện chồng diêm, bên trong có nhiều hoành phi và câu đối. Điện Phật bài trí trang nghiêm. Đặc biệt chùa còn giữ nhiều pho tượng cổ bằng đồng như bộ tượng Tam Thế Phật, tượng đức Phật Thích Ca, tượng Bồ tát đản sanh, tượng Mẫu.
Chùa Nam Thọ (còn gọi là Khánh Linh Tự) (TP Móng Cái)
Là một trong những công trình kiến trúc tôn giáo được xây dựng từ năm 1775 đời vua Lê Cảnh Hưng. Hiện nay chùa còn lưu giữ cả một hệ thống tượng phật quý giá được chạm trổ hết sức tinh vi và tỉ mỉ, thể hiện qua các thời kỳ khác nhau đều mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Việt. Sân chùa là những cây đa, cây chay đại thụ hàng trăm năm tuổi quanh năm rợp bóng tạo ra một không gian rất tĩnh mịch và yên bình. Chùa Nam Thọ được xếp hạng di tích cấp quốc gia thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.
Chùa Xuân Lan (TP Móng Cái)
Chùa Xuân Lan được xây dựng từ bao giờ không ai rõ. Điều đặc biệt lưu ý là, đến nay chùa còn lưu giữ được một số tượng Phật rất lớn (trong đó có 5 pho tượng thời Lê). Ngoài hệ thống tượng Phật, chùa còn lưu giữ được một số mảng chạm khắc gỗ với những đường nét tinh vi sắc sảo mang phong cách thời Lê. Qua đây, có thể khẳng định rằng, ngôi chùa được xây dựng từ cuối thời Hậu Lê, đầu thời Nguyễn, cách ngày nay khoảng trên ba thế kỷ. Chùa Xuân Lan là một di tích kiến trúc cổ, được xây dựng từ lâu đời, căn cứ vào thượng lương và các mảng chạm khắc gỗ ở các bức cốn, vì kèo, đầu dư, đầu bảy... cho thấy chùa mang đậm phong cách thời Lê, Nguyễn, do các hiệp thợ xứ Nghệ và xứ Thanh thể hiện.
Cụm di tích và danh thắng Núi Bài Thơ
Núi Bài Thơ
Nằm ở trung tâm thành phố Hạ Long, có độ cao 200m, núi Bài Thơ là một di tích có giá trị văn hoá lịch sử quan trọng. Trước kia núi có tên gọi là núi Truyền Đăng. Đến tháng 2 năm 1468, nhân một dịp đi kinh lý vùng Đông Bắc, cảm hứng trước cảnh đẹp thần tiên của Vịnh Hạ Long vua Lê Thánh Tông đã làm một bài thơ và cho khắc vào vách núi phía Nam. Từ đó núi có tên là núi Đề Thơ, sau được gọi là núi Bài Thơ. 261 năm sau (năm 1729), nhân dịp duyệt thủy quân trên Biển Đông, chúa Trịnh Cương đã là một bài thơ họa lại bài thơ của vua Lê Thánh Tông và cho khắc ngay gần đấy.
Leo núi Bài Thơ là một thú vui hấp dẫn. Đứng trên đỉnh núi Bài Thơ, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước quanh cảnh kỳ vĩ của vịnh Hạ Long, xa xa là biển nước xanh mênh mông, đảo đá nhấp nhô điểm xuyến những con thuyền, con tàu nhỏ xíu. Nhìn lên cao là trời mây lồng lộng, xung quanh là cỏ cây hoa lá với tiếng chim hót ríu rít thật thanh bình. Núi Bài Thơ - một di tích danh thắng nổi tiếng của Hạ Long.
Cụm Di tích chiến thắng Bạch Đằng
Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt của Khu di tích, ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 là Di tích Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 1419/QĐ-TTg).
Di tích bãi cọc Bạch Đằng
Bãi cọc Bạch Đằng đầu tiên được tổ chức khai quật vào năm 1958 là bãi cọc Yên Giang nằm trong đầm nước xã Yên Giang, nay là phường Yên Giang thuộc thị xã Quảng Yên.
Năm 1969 bãi cọc này được khai quật lần thứ 2, rồi lần thứ 3 năm 1976, lần thứ 4 năm 1984 và lần thứ 5 năm 1988. Cọc trong bãi cọc này chủ yếu là gỗ lim có đường kính từ 20cm đến 30cm được cắm thẳng, khoảng cách giữa các cọc trung bình từ 0,9m đến 1,5m, phần đầu cọc nhô lên đa phần bị gẫy xước do nước bào mòn mất phần giác gỗ. Một số cọc được vớt lên có chiều dài từ 2,6m đến 2,8m, phần gốc được vạt nhọn có chiều dài từ 0,5m đến 1m, phần giác đã bị mục mủn nhưng phần lõi vẫn còn rất chắc, dẻo. Ngày 22-3-1988, bãi cọc Yên Giang được xếp hạng di tích Quốc gia. Hiện bãi cọc này được khoanh vùng bảo vệ, dựng bia giới thiệu di tích, tôn tạo đường vào tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan.
Trong những lần khai quật bãi cọc Yên Giang, các cơ quan hữu quan đều tiến hành thám sát bãi cọc Đồng Vạn Muối nằm trong địa phận xứ Đồng Vạn Muối thuộc phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên hiện nay. Năm 1998, bãi cọc được phòng Văn hóa địa phương đào kiểm tra và đưa một số cọc về trưng bày tại Bảo tàng huyện và Bảo tàng Hải quân. Năm 2005, Viện Khảo cổ học và tỉnh Quảng Ninh khảo sát và khai quật địa điểm này. Cọc tại bãi cọc này thuộc nhiều loại gỗ được sử dụng cả thân và cành. Đường kính mỗi cọc từ 7-10cm, phần được vạt nhọn chỉ khoảng 25-30cm. Tuy nhiên, mật độ cọc ở đây được cắm rất dày, phổ biến cách nhau từ 40-60cm, một số cọc chỉ cách nhau từ 10-30cm. Bãi cọc Đồng Vạn Muối đã được đắp bờ bao xung quanh, lấp đất bảo vệ nguyên trạng. Năm 2007, bãi cọc được xếp hạng Di tích lịch sử Quốc gia.
Cũng trong địa phận phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên, tại xứ Đồng Má Ngựa - xứ đồng có các cánh ruộng lúa cao thấp khác nhau, vào năm 2010, Viện Khảo cổ học phối hợp với Ban quản lý các Di tích trọng điểm tỉnh Quảng Ninh và các nhà nghiên cứu quốc tế đã khảo sát và khai quật bãi cọc thứ ba. Bãi cọc có chiều dài 70m, rộng 30m, cắm cọc thuộc nhiều loại gỗ có đường kính từ 6-22cm dày đặc thành dải như một lớp tường thành. Cũng như hai bãi cọc trên, bãi cọc Đồng Má Ngựa được bảo quản là "Di tích nguyên gốc” trong khu di tích Quốc gia đặc biệt của Quảng Ninh.
Cây lim Giếng Rừng (Cây lim cổ thụ)
Hai cây lim Giếng Rừng nằm dưới chân núi Tiên Sơn thuộc phố Ðoàn Kết, thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Hai cây lim này có tuổi thọ trên 700 năm cùng với các địa danh cổ còn lưu lại đến ngày nay như Sông Rừng, Bến Rừng, Chợ Rừng, Giếng Rừng... chứng tỏ xưa kia là vùng đất ven sông Bạch Ðằng là những cánh rừng cổ mà dấu vết còn lại đến nay có liên quan mật thiết với các trận địa cọc trên sông Bạch Ðằng năm xưa. Mặc cho thời gian và khí hậu khắc nghiệt nhưng cây vẫn xanh tươi, như một tượng đài chiến thắng giản dị, đơn sơ và đầy sinh lực. Hai cây lim Giếng Rừng đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận di tích lịch sử số 191 VH/QÐ ngày 23/3/1998 bổ sung cho di tích bãi cọc Bạch Ðằng.
Di tích thương cảng Vân Đồn
Vân Đồn là cảng ngoại thương đầu tiên ở nước ta. Vân Đồn thuộc quẩn đảo Vân Hải, ngày nay thuộc huyện Vân Đồn, nằm ở phía đông nam vịnh Hạ Long.
Ngoài việc phát hiện những dấu vết hoạt động thương nghiệp ở Vân Đồn, các nhà khảo cổ học còn tìm thấy kiến trúc tôn giáo, các chùa, tháp. Chỉ riêng trên hòn đảo Cống Đông có tới bốn ngôi chùa và một bảo tháp. Trong số đó có khu di tích chùa Lấm rất rộng xây dựng từ thời nhà Trần. Ngôi chùa này được xây dựng ở sườn núi phía Tây đảo Cống Đông, đối diện với bến thuyền ở sườn núi phía đông. Những di tích của khu chùa tam quan, chùa Hộ, chùa Phật, Thượng diện, nhà Tổ, bệ đá, toà sen, lan can chạm sóc, chạm rồng... nói lên rằng khu di tích chùa Lấm là trung tâm Phật giáo quan trọng của vùng hải đảo.
Cách chùa Lấm 3km về phía đông bắc đảo, trên ngọn đồi cao cùa đảo Cống Đông còn phế tích của một ngọn bảo tháp xây bằng gạch nung. Mặt ngoài gạch được trang trí hình rồng giun, khuôn trong hình lá đề. Trong khu đựng hộp xá lị còn có 13 mảnh vỡ của một bình sứ màu men ngà. Bình sứ này đựng tro thi hài vị cao tăng mà cuộc đời gắn liền với khu trung tâm Phật giáo chùa Lấm. Căn cứ vào kích thước của ngăn đựng hộp xá lị, tac có thể đoán được quy mô của ngọn bảo tháp khs đồ sộ, ít ra là tương đương với tháp Phổ Minh xây dựng từ đời Trần ở Nam Định.
Trên hết, Vân Đồn là thương cảng lớn, vật phẩm trao đổi với thuyền buôn ngoại quốc tại đây có mặt hàng lâm sản, hải sản, hương liệu, lụa là, gấm vóc. Nhưng mặt hàng chủ đạo từ đời Lý đến đời Trần vẫn là đồ sành sứ mà những mảnh vỡ trong khi bốc xếp kết thành từng tầng trên các bến thuyền là một minh chứng. Đồ sứ thời Lý mà men ngọc thanh thoát. Đồ sứ thời Trần màu men nâu khoẻ khoắn. Đố sứ thời Lê màu men lam dụi dàng. Từ cảng Vân Đồn, sứ của nước Địa Việt được đem tới bán tại Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, thậm chí đến tận vùng Đông Âu. Không khí buôn bán tấp nập, sầm uất của thương cảng Vân Đồn tới tận thời kỳ Tây Sơn. Với những giá trị về lịch sử, thương cảng Vân Dồn đã được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng Di tích lịch sử.
Nguồn: baoquangninh.com.vn, trang thông tin điện tử các huyện, thị xã, thành phố
của tỉnh Quảng Ninh