Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:35 (GMT +7)
Chùa Quỳnh Lâm (TX Đông Triều)
16/03/2017 - 10:02 [GMT +7]
Năm 1299, Trần Nhân Tông chính thức xuất gia và tu ở núi Yên Tử, ông thành lập phái Trúc Lâm và lấy Pháp hiệu là Trúc lâm đại sỹ. Ông đã đi khắp nơi và trong cuộc vân du năm 1304 vua Trần Nhân Tông đã gặp Pháp Loa, dưới sự dìu dắt của Trần Nhân Tông Pháp Loa đã trở thành ông tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm. Từ đó ông nhận được sự ủng hộ rất lớn của nhà vua và các giới quý tộc, ông đã cho xây dựng và mở mang nhiều chùa tháp. Riêng năm 1314 ông cho xây dựng 33 cơ sở điện thờ Phật, gác chứa kinh... Chính trong thời kỳ này trên cơ sở chùa Quỳnh Lâm cũ, năm 1316 Pháp Loa cho thành lập “Viện Quỳnh Lâm” - trường đại học Phật giáo đầu tiên ở nước ta được ra đời từ đây. Quỳnh Lâm trở thành trung tâm Phật giáo lớn với 2.000 mẫu ruộng, gia nô hơn 1.000 người.
Năm 1329 chùa Quỳnh Lâm được xây dựng lại với một kiến trúc đồ sộ, hoàn chỉnh và trở thành một đệ nhất danh lam cổ tích của nước An Nam (Văn bia). Nhiều hội lớn được tổ chức tại đây như hội “Thiên Phật” tổ chức vào năm 1325, hội kéo dài bảy ngày bảy đêm. Chùa Quỳnh Lâm đã trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đúc chuông, tạc tượng...
Đặc biệt vào thế kỷ XVIII chúa Trịnh cho tu sửa với quy mô lớn. Tạc các lan can bậc, hai con sấu đá và một số công trình khác nhưng vì tốn kém quá mức nhân dân phục vụ vất vả, lòng người bất bình nên công trình bị bỏ dở. Mới đưa được một con sấu đá bên trái vào đúng vị trí còn con sấu đá bên phải và lan can cửu cấp hai bên mới tạc xong chưa đưa vào vị trí. Đến thời Nguyễn chùa được xây dựng thêm 5 ngọn tháp để kỷ niệm các nhà sư đã trụ trì ở đây và có công lớn trong việc tu bổ, tôn tạo chùa.