Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 00:45 (GMT +7)
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015 - 2020, tháng 10-2015
15/10/2015 - 11:23 [GMT +7]
Ảnh Đỗ Phương
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 được diễn ra trong ba ngày 12, 13 và 14-10-2015, tại Trung tâm tổ chức Hội nghị tỉnh (Cột 8, phường Hồng Hà, TP Hạ Long).
Tham dự Đại hội có 349 đại biểu đại diện cho gần 90.000 đảng viên trong toàn Đảng bộ. Trong tổng số 349 đại biểu thuộc 20 Đảng bộ trực thuộc tỉnh, trong đó có 51 đại biểu đương nhiên là Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII, nhiệm kỳ 2010-2015. 295 đại biểu chính thức được bầu tại đại hội các Đảng bộ trực thuộc. 3 đại biểu dự khuyết được thay thế đại biểu chính thức. Đại biểu cao tuổi nhất (67 tuổi), đồng thời có tuổi Đảng nhiều nhất (47 năm tuổi Đảng) là đại biểu Lưu Xuân Khoa, thuộc Đảng bộ TP Hạ Long. Đại biểu trẻ tuổi nhất (25 tuổi) là đại biểu Lý Thị Chìu, dân tộc Tày, thuộc Đảng bộ huyện Tiên Yên. Đại biểu nữ 55 đồng chí, bằng 15,76% (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là 5,14%). Đại biểu dân tộc thiểu số: 20 đồng chí, bằng 5,7% (Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII là 12,86%).
Đại hội đã bầu 56 đồng chí vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2015-2020. Đồng chí Nguyễn Văn Đọc tái đắc cử Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2015-2020.
Tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV đã bầu 15 đồng chí vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Các đồng chí: Đỗ Thị Hoàng, Nguyễn Đức Long, Vũ Hồng Thanh được tín nhiệm bầu tái cử giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy. Hội nghị cũng đã bầu 11 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Đại hội đã bầu 21 đại biểu chính thức dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; 1 đồng chí được bầu là đại biểu dự khuyết dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Danh sách 56 đồng chí trong BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 (xếp theo ABC)
1- Lê Văn Ánh, Phó Chánh Thanh tra tỉnh
2- Vi Ngọc Bích, Bí thư Huyện uỷ Hải Hà
3- Đoàn Văn Chỉnh, Huyện ủy Vân Đồn
4- Trần Danh Chức, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh
5- Đỗ Vũ Chung, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
6- Trần Xuân Cương, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh
7- Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường
8- Vũ Văn Diện, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên
9- Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế
10- Nguyễn Quang Điệp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
11- Phạm Văn Điệt, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh
12- Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh
13- Hà Hải Dương, Chủ tịch UBND TX Đông Triều
14- Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT
15- Vũ Ngọc Giao, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
16- Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Công thương
17- Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh Đoàn
18 - Lê Thị Hạnh, Giám đốc Sở Nội vụ
19- Nguyễn Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Hoành Bồ
20- Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
21- Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
22- Nguyễn Văn Hồi, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên
23- Vũ Văn Hợp, Chánh Văn phòng UBND tỉnh
24- Trần Văn Hùng, Bí thư Thành ủy Cẩm Phả
25- Nguyễn Văn Hưởng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy
26- Cao Tường Huy, Bí thư Huyện uỷ Bình Liêu
27- Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GT-VT
28- Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Thành ủy Móng Cái
29- Trần Đức Lâm, Bí thư Thành uỷ Hạ Long
30- Trần Văn Lâm, Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy
31- Đỗ Thị Lan, Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ
32- Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh
33- Vũ Thành Long, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
34- Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh
35- Đào Thanh Lưỡng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh
36- Hoàng Bá Nam, Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Cô Tô
37- Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng NTM
38- Ngô Hoàng Ngân, Bí thư Đảng uỷ Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
39- Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD-ĐT
40- Nguyễn Hoài Sơn, Bí thư Huyện uỷ Đầm Hà
41- Lê Đức Thái, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh
42- Trịnh Thị Minh Thanh, Giám Đốc Sở Tài chính
43- Vũ Hồng Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ
44- Nguyễn Đức Thành, Trưởng Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh
45- Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
46- Vũ Đức Thành, Viện trưởng Viện KSND tỉnh
47- Tạ Duy Thịnh, Giám đốc Sở KH&CN
48- Nguyễn Ngọc Thu, Bí thư Thành uỷ Uông Bí
49- Đỗ Phương Thuấn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh
50- Vũ Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
51- Hoàng Văn Tiền, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh
52- Mai Vũ Tuấn, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông
53- Nguyễn Mạnh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng
54- Lê Quang Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
55- Hoàng Ngọc Viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Tỉnh ủy
56- Nguyễn Thị Vinh, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
Danh sách 15 Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2015-2020:
1- Nguyễn Văn Đọc - Bí thư Tỉnh ủy
2- Đỗ Thị Hoàng - Phó Bí thư Tỉnh uỷ
3- Nguyễn Đức Long - Phó Bí thư Tỉnh uỷ
4- Vũ Hồng Thanh - Phó Bí thư Tỉnh uỷ
5- Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh
6- Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
7- Nguyễn Quang Điệp, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy
8- Vũ Ngọc Giao, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ
9- Đỗ Vũ Chung, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy
10- Đỗ Phương Thuấn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh
11- Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh
12- Ngô Hoàng Ngân, Bí thư Đảng uỷ Than Quảng Ninh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam
13- Cao Tường Huy, Bí thư Huyện uỷ Bình Liêu
14- Nguyễn Văn Hưởng, Chánh Văn phòng Tỉnh ủy15- Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Thành ủy Móng Cái
Danh sách Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy (11 đồng chí)
1- Đỗ Vũ Chung - Chủ nhiệm
2- Hoàng Ngọc Viên - Ủy viên
3- Kiều Quốc Huy - Ủy viên
4- Nguyễn Mạnh Tuyên - Ủy viên
5- Ngô Văn Hiện - Ủy viên
6- Lê Ngọc Thanh - Ủy viên
7- Nguyễn Huy Thắng - Ủy viên
8- Nguyễn Ngọc Sơn - Ủy viên
9- Nguyễn Kim Anh - Ủy viên
10- Lê Văn Ánh - Ủy viên
11- Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy - Ủy viên
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020
I- Tán thành những nội dung cơ bản về đánh giá tình hình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII (2010 - 2015) và mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2015 - 2020 nêu trong Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII trình Đại hội:
1- Về đánh giá tình hình 5 năm 2010 - 2015
Năm năm qua, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song dưới sự quan tâm chỉ đạo kịp thời, đúng hướng, hiệu quả của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã phát huy khối đại đoàn kết, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, có nhiều giải pháp đột phá để khai thác tiềm năng, thế mạnh, khắc phục khó khăn nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đề ra, tỉnh Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Kinh tế tiếp tục phát triển toàn diện, quy mô và sức cạnh tranh được nâng lên rõ rệt; tăng trưởng kinh tế đạt mức cao so với cả nước; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ; thu ngân sách luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước. Bám sát mục tiêu thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với cơ cấu lại kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện rõ rệt; niềm tin của các nhà đầu tư được nâng lên. Văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện. Mặc dù kinh tế khó khăn, song tổng chi cho an sinh xã hội gấp hai lần so với giai đoạn trước, giải quyết nhiều việc làm mới và giảm nghèo rõ rệt. Quốc phòng - an ninh được củng cố, chủ quyền biên giới trên đất liền và biển đảo được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; hoạt động đối ngoại được tăng cường theo hướng hiệu quả, thiết thực hơn. Công tác xây dựng đảng, chính quyền và hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế; dân chủ trong đời sống chính trị, xã hội được quan tâm, phát huy.
Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém cần quyết tâm khắc phục: 02/18 chỉ tiêu chủ yếu Đại hội XIII đề ra chưa đạt; kinh tế phát triển khá nhanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, nhất là một số ngành có lợi thế lớn như du lịch, thương mại, kinh tế biển. Hệ thống kết cấu hạ tầng đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đồng bộ. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, nhất là đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Đời sống văn hoá - xã hội của nhân dân đã được cải thiện nhưng có mặt chưa tương xứng với tốc độ phát triển kinh tế. Khắc phục ô nhiễm môi trường do khai thác than, sản xuất vật liệu xây dựng chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật đã được kiềm chế, kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn phức tạp. Giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân có lúc, có việc còn chậm. Sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên chưa đồng đều. Bộ máy trong hệ thống chính trị chưa thực sự tinh gọn, hiệu quả. Quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực có mặt còn hạn chế. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có nhiều đổi mới nhưng chưa toàn diện, việc nắm tình hình nhân dân có lúc, có nơi chưa kịp thời; thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội chưa rõ nét.
Những hạn chế, yếu kém nói trên có nguyên nhân khách quan là do suy thoái kinh tế thế giới nhất là trong những năm đầu nhiệm kỳ; tình hình chính trị trong khu vực, thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường... đã tác động tiêu cực đến các ngành sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Nhưng trực tiếp và quyết định vẫn là nguyên nhân chủ quan: Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện của một số cấp ủy đảng; năng lực quản lý, điều hành ở một số cấp chính quyền chậm được nâng cao, nhất là ở cơ sở. Nhận thức, năng lực của một bộ phận cán bộ, đảng viên còn hạn chế. Quyết tâm chính trị có mặt chưa cao, thiếu biện pháp hữu hiệu khắc phục triệt để các hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra. Công tác phân tích, dự báo chiến lược chưa theo kịp tình hình.
2- Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo rút ra một số kinh nghiệm:
Một là, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh và phát huy được sức mạnh, sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Hai là, bám sát và cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tranh thủ sự chỉ đạo, ủng hộ của Trung ương và sự phối hợp của các địa phương nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Ba là, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, hành động quyết liệt, không quá cầu toàn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Nhận diện kịp thời những thời cơ, thách thức, ưu điểm, hạn chế để bố trí nguồn lực và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo.
Bốn là, coi trọng việc mở rộng và phát huy dân chủ, nhất là dân chủ trực tiếp, gắn với tăng cường kỷ cương pháp luật; lắng nghe tiếp thu ý kiến nhân dân, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Năm là, thường xuyên chăm lo đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đội ngũ doanh nhân và phát triển toàn diện nguồn nhân lực.
3- Dự báo bối cảnh tình hình trong giai đoạn tới
Trên thế giới, những năm tới sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, khó lường. ASEAN trở thành cộng đồng sẽ mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức mới. Trong nước, kinh tế đang từng bước lấy lại đà tăng trưởng, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là khi thực hiện đầy đủ các cam kết, tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực và thế giới. Trong tỉnh, những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong những năm qua đã tạo ra thế và lực mới, tuy nhiên, Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với các yếu tố mới; mô hình tăng trưởng chủ yếu vẫn theo chiều rộng; quy mô kinh tế còn nhỏ; năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực còn yếu; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường.
4- Mục tiêu, nhiệm vụ 5 năm 2015 - 2020
Mục tiêu tổng quát:
Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; giữ vững chủ quyền biên giới; bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo vệ và cải thiện rõ rệt môi trường sinh thái; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc; bảo tồn và phát huy bền vững các giá trị của Di sản - Kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các khu danh thắng, di tích lịch sử.
Phấn đấu đạt được các chỉ tiêu chủ yếu:
- Về kinh tế: (1) Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11 - 12%/năm; (2) Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 7.000 - 8.000 USD; (3) Cơ cấu ngành kinh tế đến năm 2020: Dịch vụ 48 - 49%; Công nghiệp - xây dựng 47 - 48%; Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản 3 - 5%; (4) Thu ngân sách nội địa tăng tối thiểu 10%/năm, thu xuất nhập khẩu phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao; (5) Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 3 - 5%/năm; (6) Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn bình quân tăng trên 10%/năm; (7) Năng suất lao động xã hội bình quân tăng 15 - 16%/năm.
- Về xã hội, đến năm 2020: (8) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 84 - 89%; (9) Số bác sỹ/1 vạn dân đạt trên 12 bác sỹ; (10) Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%; (11) Tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,7%/năm (theo tiêu chí mới).
- Về môi trường, đến năm 2020: (12) Tỷ lệ che phủ rừng đạt 54 - 55%; (13) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom đạt trên 92%, tỷ lệ chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt 100%/năm; (14) Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch trên 98% và dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trên 98%.
- Về xây dựng Đảng, phấn đấu hàng năm: (15) Số tổ chức cở sở đảng được đánh giá chất lượng trong sạch, vững mạnh đạt 50% (theo quy định mới); (16) Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 75% trở lên; (17) Kết nạp đảng viên từ 4-5%.
Trong nhiệm kỳ khóa XIV, trên cơ sở quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện việc thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp trên tất cả các lĩnh vực đã nêu trong Báo cáo chính trị, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo bước phát triển đột phá trên cơ sở một số định hướng lớn sau:
Một là, tăng trưởng kinh tế đảm bảo chỉ tiêu đề ra trên nền tảng phát triển bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, quốc phòng - an ninh vững chắc. Nâng cao chất lượng và tỷ trọng các ngành dịch vụ, nhất là du lịch; phát triển công nghiệp bền vững gắn với bảo vệ môi trường; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung với công nghệ cao.
Hai là, tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược. Hoàn thành và đầu tư mới các dự án kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại như hệ thống đường cao tốc, sân bay đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế; nhất là đối với các địa bàn trọng điểm như thành phố Hạ Long, hai khu kinh tế Vân Đồn, Móng Cái. Cải cách hành chính theo hướng phát huy vai trò tích cực của chính quyền điện tử gắn với hoạt động hiệu quả của các trung tâm hành chính công; lấy hiệu quả phục vụ, sự hài lòng của nhân dân, doanh nghiệp làm thước đo. Tạo môi trường thuận lợi thực sự để đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, thái độ văn minh, lịch sự gắn với tăng cường kỷ cương công chức, đổi mới chế độ công chức, công vụ.
Ba là, huy động và sử dụng nguồn lực bảo đảm nguyên tắc nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chủ yếu đầu tư các công trình động lực có sức lan tỏa và bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng - an ninh; huy động tối đa mọi nguồn lực xã hội, đặc biệt là áp dụng có hiệu quả hình thức đối tác công tư. Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân, làm động lực để nâng cao sức cạnh tranh.
Bốn là, chú trọng bảo vệ môi trường, xây dựng văn minh đô thị, tạo dựng thương hiệu địa phương; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền.
Năm là, khai thác hiệu quả hợp tác liên kết vùng giữa các địa phương, khu vực và quốc tế; tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế, kịp thời nắm bắt các cơ hội, nhận diện, dự báo những khó khăn, thách thức. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới trên bộ, trên biển; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Sáu là, tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII “về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” nhằm củng cố, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp và chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết; đẩy mạnh công tác đấu tranh và đẩy lùi tham nhũng, lãng phí.
II- Thông qua Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIII. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV tiếp thu ý kiến của Đại hội, tiếp tục phát huy thành quả, ưu điểm, khắc phục những hạn chế, yếu kém của nhiệm kỳ trước để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ tới.
III- Thông qua báo cáo tổng hợp ý kiến của các tổ chức đảng và các tầng lớp nhân dân đóng góp vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV tổng hợp ý kiến thảo luận tại Đại hội để bổ sung, hoàn chỉnh văn bản, báo cáo Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
IV- Thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV gồm 56 đồng chí, bầu đồng chí Nguyễn Văn Đọc làm Bí thư Tỉnh uỷ, bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng gồm 21 đồng chí đại biểu chính thức và 01 đại biểu dự khuyết. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV hoàn chỉnh hồ sơ về kết quả bầu cử, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các ban đảng Trung ương có liên quan để quyết định chuẩn y theo quy định.
V- Giao Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XIV căn cứ Nghị quyết Đại hội, trên cơ sở quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động, các kế hoạch công tác để nhanh chóng đưa Nghị quyết Đại hội đi vào thực hiện trong thực tiễn.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XIV kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, “kỷ luật và đồng tâm”; trên nền tảng kinh nghiệm, trí tuệ và những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra, xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020, góp phần tích cực cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Theo baoquangninh.com.vn