Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 19:29 (GMT +7)
Đền Xã Tắc (TP Móng Cái)
04/08/2017 - 10:28 [GMT +7]
Ảnh: Tạ Quân
Toạ lạc gần bờ sông Ka Long, thuộc khu 1, phường Ka Long (Móng Cái), gần với biên giới Việt - Trung, đền Xã Tắc không chỉ có ý nghĩa tâm linh, giá trị về lịch sử văn hoá, mà còn có giá trị lớn lao về chủ quyền, lãnh thổ trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Đền Xã Tắc trước kia còn có tên là “Đàn miếu Xã Tắc Đại vương” (tức nơi lập đàn để tế long thần, thổ địa của bản thôn). Theo hồ sơ xếp hạng di tích, đền Xã Tắc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII, đầu thế kỷ XIV để thờ thần Xã Tắc - Bản cảnh thành hoàng của châu Móng Cái xưa. Tại đây còn phối thờ Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng, long thần thổ địa của bản thôn và các vị tiên công của những dòng họ đã có công đến khai khẩn vùng đất này.
Đền Xã Tắc ngày nay được xây dựng theo hướng nam, trên một khu đất cao, thoáng mát với diện tích khuôn viên khoảng 20.000m2. Ngôi đền chính có diện tích 308m2, được xây dựng theo kiểu chữ “công”. Đền được xây hai tầng tám mái với những hoạ tiết hoa văn chạm trổ truyền thống, tinh xảo, mái lợp ngói mũi hài. Hiện đền Xã Tắc vẫn còn lưu giữ được ba tấm bia cổ có niên đại từ những năm 1879, trên đó có ghi danh những người đã góp công, góp của để trùng tu, xây dựng lại đền.
Đền Xã Tắc có 5 ngày lễ chính là 16-1, 2-5, 16-8, 16-12, 18-12 (âm lịch) trong đó, ngày 16-1 là ngày lễ cầu an. Trong ngày này, người ta giết thịt 1 con lợn, thịt đem luộc chín, lòng bỏ vào vạc nấu cháo làm lễ cúng Xã Tắc Đại Vương. Người dân còn làm thuyền giấy, sắm lễ hoa quả, vàng mã, rượu, bánh... cúng rồi mới mang thả xuống sông cầu bình an, cầu tài, lộc. Nghi lễ này kéo dài và tồn tại suốt hơn 5 thế kỷ.
Năm 2005, đền Xã Tắc đã được xếp hạng di tích lịch sử, văn hoá cấp tỉnh.