Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 17:22 (GMT +7)
Du lịch huyện Tiên Yên
08/08/2017 - 10:26 [GMT +7]
Hấp dẫn phố đi bộ Tiên Yên
Phố đi bộ Tiên Yên với chủ đề "Hồn xưa, nét cũ, Tiên Yên phố" đã trở thành sản phẩm du lịch độc đáo riêng có của người dân Tiên Yên được tổ chức lần đầu từ năm 2017. Tính đến hết tháng 9/2018, phố đi bộ Tiên Yên đã thu hút trên 230.000 lượt khách tham quan; trung bình mỗi tối có khoảng 4.000 lượt người tham quan, cao điểm lên tới khoảng 16.000 lượt.
Đồng Rui - Điểm đến hấp dẫn
Lễ hội đua thuyền ở Đồng Rui được tổ chức thường niên vào dịp Tết Nguyên đán. Đây không chỉ là một trò chơi để biểu dương sức mạnh, mà còn là một loại hình văn hóa, tín ngưỡng chứa đựng ý nghĩa nhân văn của cha ông là cầu nắng, cầu mưa, cầu an, cầu mùa. Ngày nay vì nhiều lẽ khác nhau, việc cúng tế đã được giản lược, nhưng lễ hội đua thuyền thì vẫn còn lưu giữ và trở thành một trò chơi dân gian của người dân ở xã Đồng Rui mỗi dịp đầu xuân.
Lễ hội thường diễn ra vào mùng 4 Tết Nguyên đán hằng năm. Chiếc thuyền đua trước đây được đóng bằng gỗ có chiều dài 3m, trên thuyền có 12 vận động viên, nhưng nay thuyền đua được làm bằng nhựa Composite, trên mỗi thuyền đua có 10 vận động viên, trong đó có một người chỉ huy, một người bắt lái. Khi các đội chuẩn bị xuất phát, thuyền đua phải áp lái vào địa điểm xuất phát, khi có hiệu lệnh phát ra từ loa thì người cầm lái của các đội phải chủ động buông tay ra khỏi cột xuất phát đồng thời các vận động viên bổ mái chèo cho thuyền lướt đi, người chỉ huy lúc này hô vang thành nhịp để tạo khí thế cho các vận động viên. Vào ngày diễn ra Lễ hội, đông đảo nhân dân xã Đồng Rui và các xã lân cận nườm nượp kéo về cổ vũ, những tiếng trống, tiếng reo hò của khán giả làm cho không khí ngày xuân trở nên sôi động hơn. Cùng với lễ hội đua, xã Đồng Rui còn tổ chức các hoạt động thể thao truyền thống như: Bóng chuyền, bóng đá, kéo co vào dịp đầu xuân năm mới thu hút đông đảo người dân trong và ngoài huyện đến du xuân, tham gia cổ vũ.
Không chỉ có Lễ hội đua thuyền đặc sắc vẫn còn giữ được nét truyền thống, xã Đồng Rui còn được biết đến với những điểm du lịch hấp dẫn du khách như: Rừng ngập mặn, mũi Lòng Vàng, với những đặc sản nổi tiếng như: Trứng vịt biển, khoai lang... Rừng ngập mặn Đồng Rui được phân bố, phân tầng rõ rệt với các loại cây như: Sú, vẹt, đước... đã có cả trên trăm năm tuổi. Hệ sinh thái của rừng ngập mặn nơi đây tương đối phong phú, đa dạng với hàng trăm loài động, thực vật khác nhau. Khi thủy triều xuống ở mức thấp, du khách có thể cùng với ngư dân ở nơi đây trên chiếc tàu gỗ nhỏ qua dòng sông hai bên xanh ngắt rừng ngập mặn, cùng mò cua, bắt ốc dưới tán rừng ngập mặn. Khi hoàng hôn buông xuống, du khách được chiêm ngưỡng từng đàn cò, đàn chim, chao lượn tạo nên một khung cảnh thanh bình, nên thơ mà ít nơi nào có được.
Sau khi trải nghiệm rừng ngập mặn Đồng Rui, du khách có thể lên tàu đến mũi Lòng Vàng nằm cách bờ chừng 4km, với diện tích hơn 20ha. Mũi Lòng Vàng có bãi cát vàng trải dài, nước biển xanh biếc. Điều đặc biệt là những bãi cát này chưa có sự tác động nhiều của con người nên vẫn giữ được những nét đẹp hoang sơ, thiên tạo vốn có. Với hơn 4km bờ cát trải dài, thoai thoải, nước biển xanh biếc, là một bãi tắm khá lý tưởng.
Đồng Rui đã được UBND tỉnh phê duyệt Đề án thành lập khu bảo tồn ngập nước Đồng Rui - Tiên Yên - Quảng Ninh và trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2020-2050 đã nói lên tiềm năng phát triển du lịch Đồng Rui. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Yên cũng đề cập xây dựng kinh doanh du lịch sinh thái Đồng Rui giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở đó, xã cũng đã đưa ra nghị quyết phát triển du lịch sinh thái, quy hoạch hạ tầng du lịch, trong đó có việc gìn giữ Lễ hội đua thuyền truyền thống vào dịp năm mới.
Đền thờ Đức ông Hoàng Cần.
Di tích lịch sử đền thờ Đức ông Hoàng Cần nằm ở thôn Hà Dong Bắc, xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên. Sách Đại Nam nhất thống chí và Đồng Khánh dư địa chí có ghi lại, Hoàng Cần là người địa phương, có công dẹp giặc giữ yên vùng đất biên cương của Tổ quốc. Ông được triều đình nhà Trần phong tặng chức Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế, triều đình nhà Nguyễn phong tặng chức Khâm Sai Thái Bảo Xuyên Quốc Công Tôn Thần và Bản cảnh thành hoàng. Nhân dân địa phương cũng kính trọng gọi ông là Đại Vương (ông quan to) và lập đền thờ cúng, còn gọi là miếu Đại Vương.
Đền thờ Đức ông Hoàng Cần quay hướng Đông Nam (hướng Nam là chính); kiến trúc kiểu chữ nhất (đại đường và hiên) có 3 gian, hai hồi bít đốc, tường xây gạch đỏ, mái xuôi lợp ngói tây, bộ vì kèo kết cấu bê tông chèn gạch. Gian chính của đền thờ Khâm Sai Tiết Chế Hoàng Cần. Gian phải của đền đặt ban thờ Tam toà Thánh Mẫu và ban thờ Mẫu Liễu Hạnh.
Hàng năm, vào 15 tháng Giêng, nhân dân trong vùng tổ chức ngày lễ chính tại đền thờ Đức ông Hoàng Cần. Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ, tri ân những ngày tháng Đức ông Hoàng Cần cùng thuộc hạ của ông trên đường đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong lễ tế thần, thành hoàng, dân làng cầu thần, thành hoàng ban phúc, lộc, sức khoẻ, bình an, làm ăn thuận buồm xuôi gió, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu. Ngoài lễ chính, tại đền còn có 4 ngày lễ khác vào các ngày 15-4 cầu nước chống hạn, cầu mùa màng tốt tươi; 15-7 lễ Vu lan báo hiếu ông bà, bố mẹ; 15-10 lễ cúng cơm mới, cầu may và 15-12 lễ tạ thần linh. Trong các ngày lễ này, dân làng đều chuẩn bị đóng góp lễ vật từ trước, mọi người cùng mang lễ vật tập trung tại sân đền để nấu đồ lễ dâng cúng thần - thành hoàng.
(Theo: http://baoquangninh.com.vn)