Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 04/12/2024 00:09 (GMT +7)
Lễ hội Tiên Công (TX Quảng Yên)
21/03/2018 - 09:38 [GMT +7]
Đã thành thông lệ, cứ vào ngày mồng 7 tháng Giêng hằng năm, Lễ hội Tiên công - một trong những lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của huyện Yên Hưng lại được tổ chức trang trọng tại miếu Tiên Công, xã Cẩm La, huyện Yên Hưng.
Theo các tư liệu khảo sát được, từ thời Lý - Trần đã có một số vạn chài đến vùng đất Quảng Yên ngày nay sinh sống, họ đã dựa vào những gò đất cao trên triều để dãi chài, phơi lưới. Đến đầu thế kỷ XV, khoảng từ năm 1434 đến 1500, có 6 nhóm Tiên Công và dân cư đến quai đê lấn biển, khẩn hoang đất đai trồng lúa, lập làng, tạo nên khu đảo Hà Nam. Trong đó có 17 vị Tiên công, người quê ở phường Kim Hoa (nay là phường Kim Liên), huyện thọ Xương, phủ Hoài Đức, phía Nam thành Thăng Long (nay là Hà Nội). Để tưởng nhớ công ơn các vị Tiên Công, người dân toàn xã Phong Lưu đã lập miếu thờ thập thất Tiên Công ở thôn Cẩm La để tuần rằm lễ tiết, tứ thời phụng thờ.
Có miếu Tiên Công rồi mới có Lễ hội Tiên Công, căn cứ vào các cứ liệu cho thấy, lễ hội có thể ra đời khoảng cuối thế kỷ XVII (từ 1650-1690) với không gian chính ở các xã Cẩm La (trung tâm lễ hội) và các phường Phong Cốc, Phong Hải, Yên Hải, Nam Hoà ở vùng đảo Hà Nam của Quảng Yên.
Phần lễ của Lễ hội Tiên Công có nhiều nghi lễ rất độc đáo như: Nghi lễ chạp tổ, ra cỗ họ, nghi lễ dẫn thọ, rước thọ v.v.. Đặc sắc nhất là nghi lễ rước thọ được tổ chức vào ngày chính hội mùng 7 tháng Giêng. Vào ngày này, những gia đình có cha mẹ thượng thọ có điều kiện sẽ cùng dòng họ và làng xóm tổ chức đoàn rước đưa “cụ Thượng” về miếu Tiên Công lễ tổ. Ngày nay, thôn Yên Đông thường tổ chức rước tập thể cho các “cụ Thượng” của thôn; một số dòng họ tổ chức rước tập thể cho các “cụ Thượng” của dòng họ. Cùng với nghi thức lễ tế Tiên Công, xung quanh khu vực đền Tiên Công diễn ra các hoạt động như: đấu cờ người, chơi đu, bài điếm, chọi gà, hát đúm và một vài trò vui khác.
Theo Baoquangninh