Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 03:07 (GMT +7)
Nộm sứa đỏ
17/10/2017 - 09:03 [GMT +7]
Trong các sản vật mà thiên nhiên ban tặng cho Quảng Ninh sứa ngày càng được du khách ưa chuộng và mang lại nhiều nguồn lợi kinh tế cho ngư dân. Các món ăn từ sứa như canh sứa, nộm sứa rất quen thuộc trong sổ tay ẩm thực của những người sành ăn. Sứa và các sản phẩm từ sứa được biết đến phổ biến là sứa trắng, ít người biết có một loại ngon và hiếm hơn đó là sứa đỏ.
Sứa đỏ sau khi được xử lý để chế biến có màu nâu đậm. |
Sứa (đông y gọi là hải triết, thạch kính, thuỷ mẫu...) là loài thuỷ sinh ruột khoang, thân hình tán, có nhiều tua, thịt dạng keo trong suốt, chứa nhiều nước, sống trôi nổi trên biển. Sứa biển chỉ có thể vớt được vào dịp cuối năm và hết vào tầm tháng 3 tháng 4 âm lịch năm sau. Ngư dân quen gọi giai đoạn này là “mùa” sứa.
Vào mùa sứa, đến con nước, sứa trôi dạt theo sóng biển được ngư dân vớt bán cho các điểm thu mua. Tại đây, sứa được sơ chế, đóng hộp và xuất sang Trung Quốc, một phần tiêu thụ nội địa. Bởi mang lại nguồn lợi lớn nên mấy năm gần đây, có người ví sứa là “vàng trắng” của biển. Sứa có giá trị lớn, sứa đỏ lại càng quý hơn. Thông thường, phải vớt hàng ngàn con, người vớt mới có thể vớt được 1-2 con sứa đỏ.
Về hình dáng, cấu tạo, sứa đỏ không khác gì sứa thường. Điểm khác biệt là toàn thân sứa có màu nâu đậm, kích cỡ nhỏ hơn chút so với sứa thường. Thông thường sứa đỏ chỉ đạt từ 5-6kg, con to đạt 10kg nhưng giá bán phải gấp cả chục lần.
Món nộm sứa hấp dẫn với nhiều du khách khi đến Quảng Ninh. |
Sứa đỏ giá trị nhưng để trở thành món ngon thì người chế biến phải rất cầu kỳ. Sứa đỏ cũng như sứa thường được chế biến bằng cách cắt nhỏ, cho vào quay li tâm rồi ngâm muối để sứa sạch và bảo quản được lâu. Bên cạnh cách chế biến truyền thống để xuất khẩu, sứa đỏ còn được các ngư dân chế biến sống thành các món ăn ngon. Sứa đỏ có thể chế biến thành nhiều món như gỏi sứa với mắm tôm, trần qua, ninh chân giò lợn hoặc ăn kèm với lẩu...
Một trong những món ăn ngon, phổ biến nhất là nộm sứa đỏ. “Sứa đỏ sau khi đánh bắt về, làm sạch bằng cách ngâm kỹ bằng nước chè đặc, các gia vị khác... cho hết nhớt, ép cho hết nước mặn, vị nồng, tăng độ giòn. Sau đó, sứa được thái lát mỏng và trộn với nước mắm, đường, chanh, nêm thêm rau thơm đủ loại, lạc rang...” - anh Nguyễn Văn Minh (thị trấn Cô Tô), một ngư dân có kinh nghiệm chế biến sứa đỏ chia sẻ bí quyết.
Không chỉ đẹp mắt, sứa đỏ có vị thanh thanh, mát mát, ăn gần giống như... thạch dừa, đậu phụ non. Nộm sứa bóp vừa ăn, có vị ngọt chua cay của gia vị hoà cùng cảm giác nhai giòn giòn, sật sật trong miệng người ăn khiến nhiều thực khách yêu thích.
Theo các nhà y học, trong sứa biển nói chung, sứa đỏ nói riêng có nhiều protein, ít lipid, các chất khoáng P, Ca, Fe và các sinh tố B1, B2, Na; choline, chứa nhiều iod. Với sứa đỏ thì đây là món ăn rất tốt cho cơ thể, có thể giải nhiệt, chữa chóng mặt, nhức đầu, thanh mát cơ thể nhất là trong những ngày nắng. Sứa đỏ ít đạm, giúp giảm mỡ máu, tốt cho người tim mạch.
Hà Phong