Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 11/10/2024 03:25 (GMT +7)
Phong cảnh huyện Ba Chẽ
09/08/2017 - 16:19 [GMT +7]
1- Vị trí địa lý:
Ba Chẽ là huyện miền núi vùng cao, cách thành phố Hạ Long 90km đường bộ, có tọa độ từ 21o07’ đến 21o23’ vĩ độ bắc và 160o58’ đến 107o24’ kinh độ đông.
Phía Bắc giáp huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn; phía Nam giáp huyện Hoành Bồ và thành phố Cẩm Phả; phía Đông giáp huyện Tiên Yên; phía Tây giáp huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang.
Ba Chẽ có diện tích tự nhiên 60.855,56 ha (chiếm 10% diện tích toàn tỉnh). Địa hình núi cao. Núi non trùng điệp chia cắt đất đai thành nhiều vùng nhỏ. Cao nhất là núi Khau Giang cao trên 900m ở phía tây huyện.
Ba Chẽ thuộc địa hình đồi núi cao nằm trong cánh cung Bình Liêu - Đông Triều, các dãy núi chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Ba Chẽ có địa hình dốc bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi đất tạo thành các thung lũng hẹp và các con suối, sông lớn nhỏ. Độ cao trung bình của Ba Chẽ từ 300m - 500m so với mực nước biển. Đất có độ dốc lớn, phần lớn trên 20o. Chủ yếu là đất dốc nên người dân Ba Chẽ sống chủ yếu bằng nghề rừng. Đất nông nghiệp rất hẹp và manh mún, chủ yếu là các thung lũng dưới chân núi có thể cấy lúa nước, còn phần lớn là ruộng bậc thang và đất đồi trồng lúa nương, sắn, ngô, khoai. Đồng thời với địa hình dốc thoải ở một số khu vực thuộc các xã Lương Mông, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn là điều kiện tốt để phát triển đồng cỏ chăn nuôi.
2- Diện tích tự nhiên:
Năm 2017: Tổng diện tích đất tự nhiên của huyện là 60.652ha, bao gồm: đất sản xuấ nông nghiệp (2.051ha), đất lâm nghiệp (52.176ha chiếm 86%), đất chuyên dùng (491ha chiếm 0,8%), đất ở (128ha chiếm 0,2%).
Huyện Ba Chẽ có diện tích 576km².
3- Các đơn vị hành chính:
Bao gồm 1 thị trấn và 7 xã.
- Thị trấn Ba Chẽ
- Các xã: Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, Thanh Sơn, Nam Sơn, Đồn Đạc.
4- Dân số và các thành phần dân tộc:
Ba Chẽ là huyện miền núi có nhiều dân tộc sinh sống, đất rộng, người thưa, mật độ dân số thấp nhất tỉnh Quảng Ninh.
Năm 2017 (31/12/2017): Dân số huyện Ba Chẽ đạt 21.800 người, mật độ dân số trung bình là 35,8 người/km2.
Năm 2014 (01/04/2014): Huyện Ba Chẽ có trên 4.800 hộ dân, trong đó dân tộc thiểu số trên 3.600 hộ với tổng dân số 20.619 người (tính đến hết tháng 01/2014), gồm 10 dân tộc anh em sinh sống (Dao, Tày, Kinh, Hoa, Sán Dìu, Sán Chỉ, Nùng, Cao Lan, Mường, Thái), phân bổ rải rác tại 75 thôn, khu phố; dân tộc thiểu số chiếm 80% dân số. Trong đó: dân tộc Dao chiếm 41%, Kinh 21%, Tày 16%, Sán Chỉ 14%, còn lại các dân tộc khác. Mật độ dân số bình quân 34 người/km2, trình độ dân trí không đồng đều.
5- Thủy văn, hệ thống sông suối:
Huyện Ba Chẽ có hệ thống sông suối chằng chịt vì thế tạo nên nguồn nước dồi dào phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Huyện có con sông lớn là sông Ba Chẽ, bắt nguồn từ núi Am Váp trên đất Hoành Bồ, dài 80km, lưu vực 978km2, chảy qua nhiều xã.
Đây là con sông chính lớn nhất trong hệ thống sông suối Ba Chẽ. Đoạn thượng lưu rất dốc, nhiều ghềnh thác. Từ thị trấn Ba Chẽ ra biển, lòng sông rộng dần. (Cửa sông Ba Chẽ gặp cửa sông Tiên Yên ở phía bắc và gặp cửa sông Voi Lớn ở phía nam. Chỗ gặp gỡ ba cửa sông - ba chẽ sông - chính là gốc tên Ba Chẽ. Cửa sông Ba Chẽ lớn nhất là Cửa Cái và đoạn hạ lưu sông Ba Chẽ có tên sông Cửa Cái). Ba Chẽ còn có nhiều suối lớn như suối Quánh, suối Luông, Suối Đoắng, suối Cổng, khe Lọng, khe Hổ và suối Nam Kim).
- Hệ thống sông Quánh bắt nguồn từ huyện Hoành Bồ chảy qua phía Nam xã Minh Cầm, chảy theo hướng Bắc đổ vào sông Ba Chẽ dài 85km (đây là nhánh bắt đầu nguồn chính của sông Ba Chẽ).
- Hệ thống sông Đoáng bắt nguồn từ phía Nam xã Đạp Thanh chảy về hướng Bắc, đổ vào sông Ba Chẽ dài 80km.
- Hệ thống sông Làng Cổng từ phía Nam xã Đồn Đạc, chảy về phía Bắc đổ vào sông Ba Chẽ dài 95km.
- Hệ thống suối Khe Hương, Khe Lầy, Khe Liêu, Khe Buông, Khe Tráng bắt nguồn từ phía Tây xã Lương Mông đổ vào sông Ba Chẽ dài 150km.
- Hệ thống suối Khe Lạnh từ phía Bắc xã Thanh Lâm, chảy về phía Nam đổ vào sông Ba Chẽ dài 75km.
- Hệ thống suối Khe Nháng cũng chảy từ phía Bắc xã Thanh Lâm theo hướng Nam đổ vào sông Ba Chẽ, dài 70km.
- Sông Khe Tân chảy từ phía Bắc xã Nam Sơn theo hướng Nam đổ vào sông Ba Chẽ dài 75km.
Do có hệ thống sông suối chằng chịt nên vào mùa mưa (nhất là vào tháng 8, tháng 9) thường xảy ra lũ lụt. Tại Thị trấn Ba Chẽ mực nước sông Ba Chẽ có năm dâng cao tới 5 - 6m gây ách tắc giao thông và phá hoại mùa màng của nông dân. Gần đây do việc khai thác rừng bừa bãi cho nên nguồn sinh thủy bị ảnh hưởng, lượng nước rất hạn chế.
Hầu hết các xã đều có đập nước trên các con suối, kèm theo là hệ thống kênh mương dâng nước tưới cho lúa và hoa màu. Ngoài các sông suối, nhân dân Ba Chẽ có thể tận dụng nguồn nước bằng cách đào giếng phục vụ sinh hoạt.
Nhìn chung chất lượng nước ở Ba Chẽ trong và tương đối sạch, pH trung tính đạt yêu cầu đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Nước trên các suối qua xử lý sẽ đảm bảo chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân.
6- Tiềm năng du lịch và đặc sản của huyện:
* Về du lịch:
- Khu di tích Miếu Ông – Miếu Bà nổi tiếng được xây dựng từ thế kỷ 13, 14.
- Tại Làng Mới có một lò sứ cổ mới được phát hiện từ năm 2009. Trải qua hơn 200 năm nhưng những hiện vật tại di chỉ này vẫn còn nguyên hiện trạng.
- Với hệ thống các sông, suối được thiên nhiên tạo hoá rất đa dạng, phong phú nên đã tạo ra được nhiều thác nước đẹp như: Thác Trúc, thác Khe Lạnh, thác Khe Ngại - xã Nam Sơn; Thác Đá Vuông, thác Sông Cổng, thác Khe O - xã Đồn Đạc; Thác Khe Lào, Thác Khe Xoong - xã Thanh Lâm; Thảo nguyên Khe Lầy - xã Đạp Thanh rất phù hợp với các điều kiện để phát triển được các điểm du lịch sinh thái.
* Về đặc sản của địa phương:
- Ba Chẽ có nhiều đặc sản,như: mía Đồn Đạc, đậu lạc Thanh Lâm, sa nhân Lương Mông, quýt bưởi Đạp Thanh, ba kích Minh Cầm, măng tre mai, cua lông…