Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 16:11 (GMT +7)
Phong cảnh huyện Đông Triều
05/05/2017 - 14:37 [GMT +7]
1- Vị trí địa lý:
Đông Triều là huyện cửa ngõ phía tây của tỉnh, nằm ở phía tây tỉnh Quảng Ninh (Toạ độ 21o01’ đến 21o13’ vĩ độ bắc và từ 106o26’ đến 106o43’ kinh độ đông). Thị trấn huyện lỵ cách thành phố Hạ Long 78km, cách thành phố Uông Bí 25km, cách Hà Nội 90km.
- Phía bắc giáp huyện Sơn Động và Lục Nam tỉnh Bắc Giang bằng vòng cung núi Đông Triều; phía tây giáp huyện Chí Linh tỉnh Hải Dương, ranh giới là sông Vàng Chua; phía nam giáp huyên Kinh Môn cũng thuộc Hải Dương bằng sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc; phía đông nam giáp huyện Thuỷ Nguyên thuộc thành phố Hải Phòng, ranh giới cũng là sông Đá Bạc và huyện Kinh Môn tỉnh Hải Dương; phía đông giáp thành phố Uông Bí, ranh giới là sông Tiên Yên.
2- Địa hình:
Đông Triều vừa có đồi núi vừa có đồng bằng ven sông, phía bắc và tây bắc là vùng đồi núi thuộc cánh cung Đông triều, phía nam là vùng đồng bằng ven sông.
Nhìn chung địa hình Đông Triều được chia thành 3 vùng chính:
+ Vùng đồi núi phía bắc: Gồm các xã: An Sinh, Bình Khê, Tràng Lương, độ cao trung bình từ 300 - 400m, đỉnh cao nhất là Am Váp 1.031 m, đoạn giữa đứt gãy tạo thành thung lũng lớn Bình Khê - Tràng Lương. Đất đai vùng này phù hợp với phát triển rừng, trồng cây ăn quả, cây dược liệu và chăn nuôi đại gia súc.
+ Vùng giữa: Đây là vùng chuyển tiếp giữa vùng đồi núi và vùng đồng bằng phía nam, bao gồm các khu vực phía bắc quốc lộ 18A từ xã Bình Dương đến Hồng Thái Đông, địa hình đồi thấp xen kẽ đồng bằng, có nguồn gốc là đất phù sa cổ, phù hợp với phát triển cây lâu năm, cây công nghiệp và trồng lúa.
+ Vùng đồng bằng phía nam: Bao gồm toàn bộ vùng đồng bằng phía nam quốc lộ 18A từ xã Bình Dương đến xã Hồng Thái Đông, địa hình khá bằng phẳng. Đất đai vùng này tương đối phì nhiêu, chủ yếu do phù sa sông Kinh Thầy và sông Đá Bạc bồi đắp tạo thành, phù hợp với trồng lúa và nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt.
3- Các đơn vị hành chính: Gồm 6 phường và 15 xã.
- Các phường: Đông Triều, Mạo Khê, Hưng Đạo, Xuân Sơn, Kim Sơn, Đức Chính.
- Các xã: Bình Dương, Nguyễn Huệ, Việt Dân, Thủy An, An Sinh, Hồng Phong, Tân Việt, Tràng An, Bình Khê, Tràng Lương, Yên Đức, Yên Thọ, Hoàng Quế, Hồng Thái Tây, Hồng Thái Đông.
4- Diện tích đất:
Năm 2017: Tổng diện tích đất của Thi xã Đông Triều là 39.658 ha. Bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp (12.050 ha, chiếm 30,4%), đất lâm nghiệp (17.409 ha, chiếm 43,9%) đất chuyên dùng (3.919 ha, chiếm 9,9%), đất ở (1.254 ha, chiếm 3,2%). (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)
- Diện tích:Tổng diện tích tự nhiên là 39.721,55 ha
5- Dân số:
Năm 2017: Dân số của Thị xã Đông Triều là 169.500 nghìn người, mật độ dân số trung bình là 427,3 người/km2. (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)
6- Khí hậu: Khí hậu Đông Triều tương đối ôn hoà. Nhiệt độ trung bình năm là 23o4, độ ẩm 81%, lượng mưa trong năm là 1809mm, thấp hơn nhiều huyện trong tỉnh.
Có hai hướng gió mùa chính: Gió Đông Nam: Xuất hiện vào mùa mưa thổi từ biển vào mang theo hơi nước và gây ra mưa lớn. Gió mùa Đông Bắc: Xuất hiện vào mùa khô từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, gió Đông Bắc trang về thường lạnh và mang theo gió rét.
- Bão: Hàng năm, thường chịu ảnh hưởng trực của 3-5 tiếp của 3-5 cơn bão với cấp gió từ cấp 8 đến cấp 10, giật trên cấp 10.
Nhiệt độ không khí: Nhiệt độ trung bình năm đạt 23,8oC , dao động từ 16,6oC đến 29,4oC. Nhiệt độ vào mùa đông ở mức khá thấp, nhiệt độ trung bình trong tháng 1 tại các nơi đều dưới 16oC, trị số thấp nhất tuyệt đối tới 3-5oC. Nhiệt độ mùa hè khá cao, trị số trung bình tháng 7 đạt trên 29oC, trị số cao nhất tuyệt đối lên tới 39 - 40oC.
Chế độ mưa: Lượng mưa trung bình ở Đông Triều tương đối thấp so với các khu vực khác trong tỉnh, trung bình năm chỉ đạt 1.444,0mm (Quảng Hà 2.625mm). Phân bố lượng mưa năm theo mùa: Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80 - 90% tổng lượng mưa cả năm, tháng có lượng mưa lớn nhất là tháng 7, tháng 8 và tháng 9. Mùa ít mưa từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa thấp chỉ chiếm khoảng 10 - 15% lượng mưa cả năm. Tháng có lượng mưa ít nhất là tháng 12 và tháng 1.
Nắng: Số giờ nắng trung bình 1500 - 1600 giờ; Số giờ nắng trung bình tháng cao nhất trên 219 giờ (tháng 7); Số giờ nắng trung bình thấp nhất: 6 giờ (tháng 3).
Độ ẩm không khí: Độ ẩm không khí tương đối trung bình năm đạt 82%. Độ ẩm không khí tương đối trung bình ở Đông Triều có sự phân hóa theo mùa, mùa mưa độ ẩm không khí cao hơn mùa ít mưa, tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 3 đạt 91%, tháng có độ ẩm thấp nhất là tháng 11 đạt 68%.
Gió: Hướng thịnh hành là: Bắc - Đông Bắc vào mùa đông và hướng Nam - Đông Nam vào mùa hạ.
- Tốc độ gió: Tốc độ gió trung bình năm: 3m/s, tốc độ gió lớn nhất: 45m/s
Bão: Mỗi năm Đông Triều chịu ảnh hưởng khoảng 5 - 6 cơn bão, bão đổ bộ vào Đông Triều có tốc độ gió từ 20 - 40m/s, thường gây ra mưa rất lớn, lượng mưa từ 100 - 200mm, có nơi lên tới 500mm. Bão gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, sinh hoạt và đời sống của nhân dân.
Sương muối: Sương muối thường xuất hiện ở Đông Triều trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, tập trung ở các vùng đồi núi An Sinh, Bình Khê, Tràng Lương, khi đó nhiệt độ có nơi xuống tới 3oC.
Nhìn chung các yếu tố khí hậu tương đối thích hợp cho phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đa dạng chất lượng cao.
7- Du lịch và sản vật địa phương:
- Đông Triều có thế mạnh là du lịch tâm linh, trong đó có nhiều di tích lịch sử văn hoá, địa danh nổi tiếng như: Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên, chùa Ngoạ Vân, chùa Trung Tiết, chùa Non Đông, đền An Sinh và lăng mộ các vua Trần thuộc quần thể di tích Yên Tử, cùng di tích lịch sử đền An Biên, chùa Bắc Mã, đình và chùa Hổ Lao (gắn với Đệ tứ chiến khu Trần Hưng Đạo), cụm di tích lịch sử văn hoá Yên Đức v.v.. Trong đó, đặc biệt nhất là Đông Triều có khu di tích lịch sử nhà Trần, một quần thể gồm 14 điểm di tích bao gồm hệ thống di tích lăng mộ, đền, chùa và các công trình tôn giáo thời nhà Trần.
- Du lịch làng nghề truyền thống đã được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thị xã khai thác, phát triển. Ở đây, bạn không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng các sản phẩm gốm sứ đã hoàn thiện được trưng bày tại các gian hàng giới thiệu sản phẩm, mà còn được tìm hiểu và trực tiếp tham gia vào quy trình sản xuất làm ra các sản phẩm gốm theo ý mình. Đồng thời, đầu tư cơ sở hạ tầng, như Trung tâm văn hoá - thể thao Hà Lan (Công viên nước Hà Lan), trên 200 tỷ đồng; các điểm dừng chân cho khách du lịch (Thành Đồng, Thành Tâm 668, Quang Vinh, Thái Sơn 88). Tiếp đến là loại hình du lịch sinh thái gắn với vườn đồi, du lịch trải nghiệm, nổi bật là khu du lịch làng quê Yên Đức (xã Yên Đức); khu du lịch hồ Khe Chè (xã An Sinh); các đồi vườn ở các xã Việt Dân, Bình Khê, An Sinh…
- Ngoài ra còn có sản phẩm du lịch làng quê hấp dẫn, đặc biệt với khách phương Tây. Du khách tới đây được tham gia tour trải nghiệm trở thành người nông dân Việt Nam, cùng cấy lúa trồng rau, úp nơm bắt cá, được nghỉ ngơi trong những ngôi nhà Việt 3 gian 2 chái đặc trưng Bắc bộ, cùng xem múa rối nước, nghe hát quan họ, tham quan những ngôi nhà cổ gần 200 tuổi.
- Đông Triều có một đặc sản nổi tiếng đó là con rươi. Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm ngày âm lịch là mùa rươi, rươi được chế biến nhiều món như chả rươi, rươi nấu chua, rươi kho, người ta còn làm mắm rươi. Khi chế biến rươi nhớ cho vài sợi vỏ quýt tươi thái nhỏ, rươi sẽ thơm ngon vô cùng.
Ngoài ra, Đông Triều nổi tiếng với nếp cái hoa vàng, na dai. Ngoài ra còn có các sản phẩm đặc trưng, như: Cam Canh, bưởi Diễn, chanh tứ quý, cốm hồng hương Yên Tử, sữa tươi thanh trùng, gốm, sứ…
Theo QNP