Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 16:08 (GMT +7)
Phong cảnh huyện Vân Đồn
24/10/2017 - 08:49 [GMT +7]
1- Vị trí địa lý:
Vân Đồn là một huyện đảo miền núi nằm ở vị trí tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc, có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích đất tự nhiên là 551,33km2, chiếm 9,3% diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh, phần vùng biển rộng 1.620km2, hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu (Kế Bào) và Vân Hải. Trong đó, đảo Cái Bầu là rộng nhất 17.212ha, gồm thị trấn Cái Rồng và 6 xã. Với toạ độ từ 20o40’ đến 21o12’ vĩ độ Bắc và từ 107o19’ đến 107o42’ kinh độ Đông.
Huyện lỵ là thị trấn Cái Rồng trên đảo Cái Bầu cách thành phố Hạ Long gần 50km, cách Cửa Ông 7km; phía Bắc giáp vùng biển huyện Tiên Yên và huyện Đầm Hà; phía Tây giáp thành phố Cẩm Phả, ranh giới là lạch biển Cửa Ông và sông Voi Lớn; phía Đông giáp vùng biển huyện Cô Tô; phía Nam giáp vịnh Hạ Long và vùng biển Cát Bà (Hải Phòng).
2- Địa hình: Vân Đồn có ít sông ngòi, núi có nhiều nhưng không cao, mà chủ yếu là núi đá vôi. Các đảo lớn gần đất liền có núi cao trên 300m, các đảo nhỏ và xã chỉ có núi cao dưới 200m. Địa hình thấp dần từ Đông Bắc xuống Tây Nam. Độ cao trung bình là 40m so với mặt biển; độ dốc trung bình 25o, ít bằng phẳng và thường bị chia cắt. Do địa hình đảo nên toàn huyện không có sông mà chỉ có suối. Có hai hồ nhỏ là hồ Voòng Tre và hồ Mắt Rồng.
3- Diện tích:
Năm 2006: Huyện Vân Đồn có diện tích đất tự nhiên 55.133ha, gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó hơn 20 đảo có người ở. Lớn nhất là đảo Cái Bầu rộng 17.212ha, trong đó có thị trấn huyện lỵ và 6 xã. Vùng đảo xa trải rộng gồm 5 xã. Các đảo đều có địa hình núi. Núi thường chỉ cao 200- 300m. Núi Nàng Tiên ở đảo Trà Bản (Bản Sen) cao 450m, núi Vạn Hoa ở đảo Cái Bầu cao 397m.
Năm 2017: Tổng diện tích đất tự nhiên là 58.183 ha. Bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp )1.943 ha, chiếm 3,3%), đất lâm nghiệp (34.141 ha, chiếm 60,4%), đất chuyên dùng (2.661 ha, chiếm 4,6%), đất ở (359 ha, chiếm 0,6%). (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)
4- Dân số :
Năm 2006: 41.081 người; Mật độ dân cư: 74 người/km2.
Năm 2010: 40.800 người (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)
Năm 2015: 43.900 người.(Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)
Năm 2017: 45.700 người, mật độ dân số trung bình là: 78,6 người/km2(Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)
5- Các đơn vị hành chính: Gồm 1 thị trấn và 11 xã:
- Thị trấn Cái Rồng.
- Các xã: Đài Xuyên, Bình Dân, Đoàn Kết, Vạn Yên, Hạ Long, Đông Xá, Minh Châu, Quan Lạn, Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi.
6- Khí hậu:
Vân Đồn có nhiều vùng tiểu khí hậu. Lượng mưa bình quân trên 2000mm/năm, độ bức xạ lớn, nhiều sương mù, mưa phùn và gió bão lớn.
Vân Đồn nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, từ tháng 3 đến tháng 8, gió Đông Nam từ biển thổi vào mát mẻ, từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau, khí hậu lạnh do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc thổi về, bởi vậy, hay gây ra sương mù. Lượng mưa trung bình năm ở khu vực quần đảo Cái Bầu là 1.748mm, ở Bản Sen thuộc quần đảo Vân Hải là 2.442mm.
7- Địa điểm du lịch và đặc sản của huyện:
- Du lịch văn hoá, tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, mua sắm... tại các khu Bãi Dài, cảng Cái Rồng, bến cảng Vạn Hoa, đền Cặp Tiên, chùa Cái Bầu; tham quan cảnh quan, hang động, nghiên cứu các giá trị hệ sinh thái biển, rừng kết hợp vui chơi giải trí, thể thao, tắm biển, lễ hội, di tích lịch sử văn hoá tại các xã Ngọc Vừng, Quan Lạn, Minh Châu, Bản Sen, Thắng Lợi, Vườn Quốc gia Bái Tử Long.
Ngoài ra, bạn còn có thể trải nghiệm cảm giác làm ngư dân, khi cùng những người địa phương ra khơi câu mực, câu cá đục mỗi tối… Mỗi sớm mai thức dậy, bạn có thể đi đào sá sùng, sau đó được thưởng thức những món ăn chế biến từ chính thành quả lao động của mình.
- Vân Đồn có chè Vân, cam Sen và đào nổi tiếng của tỉnh, có nguồn hải sản phong phú cả về số lượng và chủng loại, như: tôm, cá, cua, ghẹ, trai ngọc, sá sùng, bào ngư, ốc bể... (tu hài khá giàu chất dinh dưỡng, trong thịt có chứa 11,63% đạm, 0,42% đường, 1,22% muối khoáng và đặc biệt là 18 loại axit amin, trong đó có một số là những axit amin không thay thế).
Theo QNP