Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 15:52 (GMT +7)
Phong cảnh thị xã Quảng Yên
04/12/2015 - 15:58 [GMT +7]
1- Vị trí địa lý:
Quảng Yên là thị xã ven biển, nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh. Vị trí tọa độ: 20o45’06’’ - 21o02’09’’ độ vĩ Bắc. 106o45’30’’ - 106o0’59’’ độ kinh Đông. Cách thành phố Hạ Long 40km về phía Tây Nam, cách thành phố Uông Bí 18km về phía Đông Nam và cách thành phố cảng Hải Phòng khoảng 20km về phía Đông.
Ranh giới: Phía Bắc giáp thành phố Uông Bí và huyện Hoành Bồ; phía Nam giáp đảo Cát Hải và cửa Nam Triệu; phía Đông giáp thành phố Hạ Long và Vịnh Hạ Long; phía Tây giáp huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
2- Diện tích tự nhiên:
Năm 2009: 31.919,34 ha.
Năm 2017: 30.185 ha. Bao gồm: Đất sản xuất nông nghiệp (7.133 ha, chiếm 23,6%), đất lâm nghiệp (3.068 ha, chiếm 10,2%), đất chuyên dụng (2.388 ha, chiếm 7,9%), đất ở (1.049 ha, chiếm 3,5%). (Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017)
3- Dân số:
Năm 2009: 129.504 người.Mật độ dân cư: 415 người/km2.
Năm 2010: 131.500 người.
Năm 2015: 134.400 người.
Năm 2017: 134.800 người, mật độ dân số trung bình: 446,4 người/lm2.
(Theo Niên giám thống kê tỉnh Quảng Ninh năm 2017).
4- Các đơn vị hành chính: gồm 1 thị trấn và 19 phường, xã.
- Thị trấn Quảng Yên.
- Các phường, xã: Minh Thành, Đông Mai, Cộng Hoà, Tiền An, Tân An, Hà An, Hiệp Hoà, Yên Giang, Nam Hoà, Yên Hải, Cẩm La, Phong Cốc, Phong Hải, Liên Hoà, Liên Vị, Tiền Phong, Sông Khoai, Hoàng Tân, Điền Công.
5- Địa hình và tài nguyên đất:
Riêng phần phía Bắc nằm trong khu vực chuyển tiếp của vùng núi Đông Bắc nên mang tính chất của nhóm đất đồi núi. Theo đặc tính phân loại, Quảng Yên có các nhóm đất chính sau:
Đất đồi núi có diện tích 6100 ha chiếm 18,3% diện tích, phân bố ở khu vực phía Bắc huyện tập trung ở các địa phương Minh Thành, Đông Mai và một phần ở Sông Khoai, Cộng Hòa, Tân An, Tiền An, Hoàng Tân. Đất bao gồm chủ yếu là các loại đất feralit vàng đỏ trên đá macma axit và đất feralit nâu vàng, xám vàng trên các đá trầm tích phiến thạch, sa thạch, đá vôi. Đất có tầng dày trung bình 60 - 80cm, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến trung bình, độ pH từ 4-4,5; hiện chủ yếu là đất rừng và đất trồng cây ăn quả.
Đất đồng bằng có diện tích gần 13.528 ha chiếm 44,% diện tích đất đai, gồm chủ yếu là đất phù sa cổ và đất phù sa cũ nằm trong đê, phân bố ở hầu hết các xã trong huyện nhưng tập trung ở khu vực Hà Nam. Đất có thành phần cơ giới trung bình đến nặng, độ PH dưới 4,5 hàm lượng mùn trung bình. Một số điểm nội đồng đất trũng bị ngập nước mùa mưa nên glây mạnh, đất chua hàm lượng mùn thấp. Hiện đất được sử dụng chủ yếu để trồng cây lương thực thực phẩm, trồng lúa hai vụ cho năng suất khá cao.
Đất bãi bồi cửa sông, ven biển gồm các loại đất mặn và đất cát có diện tích gần 12.300 ha chiếm 37,1% diện tích, phân bố ở các khu vực ven biển và cửa sông, tập trung nhiều các khu đầm Nhà Mạc, đầm Soài, Cái Tráp, Yên Giang. Phần lớn đất đang được sử dụng để nuôi trồng thuỷ sản, phần còn lại là đất rừng ngập mặn sú, vẹt và đất hoang hóa.
Đặc điểm địa hình và đất đai của một đồng bằng cửa sông ven biển tạo cho Yên Hưng có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản.
6- Điều kiện khí hậu - thời tiết:
Quảng Yên có đặc trưng khí hậu của vùng ven biển Miền Bắc Việt Nam, khí hậu nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh.
Nhiệt độ trung bình hàng năm 23-24oC, biên độ nhiệt theo mùa trung bình 6-7oC, biên độ nhiệt ngày/đêm khá lớn, trung bình 9-11oC. Số giờ nắng khá dồi dào, trung bình 1700-1800h/năm, số ngày nắng tập trung nhiều vào tháng 5 đến tháng 12, tháng có số giờ nắng cao nhất là tháng 2, tháng 3.
Lượng mưa trung bình hàng năm gần 2000mm, cao nhất có thể lên đến 2600mm. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10 tập trung 88% tổng lượng mưa cả năm, số ngày mưa trung bình hàng năm 160 - 170 ngày. Độ ẩm không khí hàng năm khá cao, trung bình 81%, cao nhất vào tháng 3, 4 lên tới 86%, và thấp nhất 70% vào tháng 10, tháng 11.
Nhìn chung chế độ khí hậu và thời tiết ở Quảng Yên có đặc điểm chung của khí hậu Miền Bắc Việt Nam nhưng do nằm ven biển nên ôn hoà hơn, thuận lợi cho sản xuất nông lâm ngư nghiệp và phát triển du lịch. Thời tiết mùa đông lạnh gây ảnh hưởng phần nào đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt nhưng cũng tạo điều kiện cho sản xuất vụ đông, đa dạng hoá sản phẩm.
7- Địa điểm du lịch và đặc sản của huyện:
- Về tuyến du lịch có 3 tuyến bao gồm: Tuyến Trung tâm TX Quảng Yên (Bảo tàng Bạch Đằng, Hai cây lim Giếng Rừng, Bãi cọc Bạch Đằng, Đền thờ Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, Bến đò Cổ, chợ Rừng); Tuyến Trung tâm TX Quảng Yên - Đảo Hà Nam (điểm di tích lịch sử Bạch Đằng, làng nghề đan ngư cụ truyền thống Hưng Học, đi thuyền nan trên sông cửa đình Cốc, đình Phong Cốc, nhà thờ họ Lê); Tuyến Trung tâm TX Quảng Yên - phường Đông Mai, Minh Thành (điểm Bác Hồ dừng chân, Rừng Thông, Thác Mơ).
Các điểm du lịch gồm 11 điểm: Điểm du lịch Khu trung tâm di tích lịch sử Bạch Đằng (phường Yên Giang); Điểm du lịch Bảo tàng Bạch Đằng (phường Quảng Yên); Điểm du lịch hai cây Lim Giếng Rừng (phường Quảng Yên); Điểm du lịch Đình Phong Cốc (phường Phong Cốc); Điểm du lịch Nhà thờ họ Lê (phường Phong Cốc); Điểm du lịch đình, chùa Yên Đông (phường Yên Hải); Điểm du lịch Chùa Yên Giang (phường Yên Giang); Điểm du lịch Miếu Tiên Công (xã Cẩm La); Điểm du lịch Thác Mơ (phường Đông Mai); Điểm du lịch làng nghề truyền thống Hưng Học (phường Nam Hòa) và Điểm du lịch chợ Rừng (phường Quảng Yên).
- Đặc sản của Quảng Yên có: Hà Hoàng Tân, nem chua Quảng Yên, bánh gio Hà Nam; Mật Ong - xã Hoàng Tân; Cá Mai - Phường Tân An; Tôm sú đầm Nhà Mạc - xã Liên Vị; Cao Thiên Môn - xã Hiệp Hòa; Gạo chất lượng cao - xã Sông Khoai và phường Phong Cốc.
Theo QNP