Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 12/12/2024 20:26 (GMT +7)
Ruốc luộc lá ổi
17/10/2017 - 10:24 [GMT +7]
Có nhiều cách chế biến độc đáo để có những món ruốc ngon. Trong đó, có thể kể đến ruốc luộc lá ổi ấm áp, hấp dẫn khó quên, đặc biệt trong tiết trời lạnh mùa đông.
Quảng Ninh có nhiều loại ruốc sống ở nước mặn, nước lợ... Tuy nhiên, phổ biến và nhiều hơn cả là ruốc biển gồm ruốc chân ngắn và ruốc lỗ (hay ruốc ngòi, ruốc chân dài...). Ruốc thường sống ở các vụng, doi cát hoặc bãi bùn ven biển, thức ăn là ngao, còng, cáy, cua đá...
Ruốc luộc lá ổi là món ăn ngon, món nhậu hấp dẫn. |
Những lão ngư giàu kinh nghiệm cho biết, loài ruốc khôn ngoan, lại biết “tự vệ” nên cần có “võ” mới đánh bắt được. Để đánh bắt ruốc chân dài, ngư dân thường thả lưới, đi soi hoặc dùng lồng bát quái (dạng ngư cụ đặt mồi nhử bên trong, 2 đầu có hom, ruốc chui vào không thể chui ra được). Mùa ruốc thường từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Còn đánh bắt ruốc chân ngắn cần có dụng cụ là những chiếc lọ, ấm tích bẻ vòi, xâu dây thả xuống biển. Ruốc chân ngắn thường chui vào nghỉ, làm tổ. Người săn ruốc cần tính toán thời gian, tuỳ mùa, con nước mà kéo ấm lên, tốt nhất là khoảng 6-8 tiếng sau khi thả “bẫy”. Ruốc chân ngắn thường nhiều nhất vào dịp từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch.
Ruốc chân dài nhỏ con, đầu (bầu) bé, chân dài, đạt từ 30-45 con/kg nhưng mùi vị thì thơm, ngon hàng đầu. Ruốc chân ngắn thường to hơn, đầu tròn, chân ngắn, thịt giòn. Khi vào chính vụ, ruốc thường ngon, béo và có nhiều trứng (hay còn gọi là cơm xôi). Tuỳ vào từng loại ruốc có thể chế biến được nhiều món ăn ngon, đặc sắc như: Ruốc xào, gỏi, nướng sa tế... Nhưng có lẽ ngon và hợp vị hơn cả là luộc. Có lẽ thế mà ngư dân trên biển khi thiếu nguyên liệu, chỉ cần luộc ruốc với vỏ cây đăng hoặc chút chè khô, tạo vị chát mà vẫn ngon đáo để.
“Để nấu món ruốc tròn vị, đúng điệu cần chuẩn bị đủ nguyên liệu là me chua, sả để mang lại mùi thơm, khử tanh; lá ổi có vị chát, làm thịt ruốc săn giòn, ớt thêm vị cay... Tuy nhiên, một thao tác quan trọng đó là rửa và sơ chế ruốc. Ruốc sống thường trơn, nhiều nhớt nên cần cho vào rổ xát hoặc rửa nhanh bằng nước ấm pha muối. Sau đó, đầu bếp cần khứa nhẹ dưới bầu rút ống mực trên đầu ruốc ra, tránh vỡ trong khi luộc. Luộc ruốc cần cho thêm một thìa tương ớt, chọn lá ổi bánh tẻ (loại không quá non) để tạo màu, vị hấp dẫn cho ruốc. Khi luộc cần đun lửa to tới khi xúc tu xoăn lại như bông hoa, bầu ruốc chuyển màu là đạt, không nên luộc lâu ruốc dễ dai, mất ngon” - anh Đinh Thanh Huệ, đầu bếp, chủ quán Cây Bàng (khu 1, phường Hà Phong) có kinh nghiệm chế biến ruốc ngon chia sẻ.
Ruốc chín được vớt ra đĩa ăn nóng chấm mắm tôm hoặc mắm gừng kèm rau sống, chuối, khế xanh tuỳ khẩu vị. Nay nhiều nơi còn có chút “biến tấu” đổ cả ruốc và nước ra bát, xâm xấp nước, ăn tới đâu cắt ruốc tới đó. Trời lạnh, thưởng thức từng miếng ruốc còn nóng hổi, nhấp chén rượu, vừa xì xụp húp thìa nước chua, cay nóng thì quả thật là thú vị.
Đây là những món ăn mà thực khách có thể dễ tìm thấy trong các quán nhậu ở khu vực Hà Tu, Hà Phong (TP Hạ Long) như: Quán Công Tráng, quán Cây Bàng... với giá rất bình dân.
Hà Phong