Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 03/12/2024 23:43 (GMT +7)
Phong cảnh huyện Hải Hà
14/08/2017 - 11:17 [GMT +7]
1- Vị trí địa lý:
Huyện Hải Hà là huyện miền núi biên giới giáp biển về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ninh, cách thành phố Hạ Long 150km, cách cửa khẩu Quốc tế Móng Cái 40km. Có tọa độ địa lý ở 21o12’46” đến 21o38’27” vĩ độ Bắc và từ 107o30’54” đến 107o51’49” kinh độ Đông.
Phía Bắc giáp Trung Quốc, với đường biên giới dài 22,8km. Phía Đông giáp thành phố Móng Cái. Phía Nam giáp Biển Đông với chiều dài bờ biển khoảng 35km, nằm trong vành đai Vịnh Bắc Bộ. Phía Tây giáp huyện Đầm Hà và huyện Bình Liêu. Huyện Hải Hà nằm trên Quốc lộ 18 nối cửa khẩu Móng Cái với thành phố Hạ Long, có 35km bờ biển và nhiều cửa sông, có cửa khẩu Bắc Phong Sinh với Trung Quốc.
2- Địa hình, địa chất:
Hải Hà là huyện có địa hình miền núi, trung du ven biển, nằm trong hệ thống cánh cung Đông Triều - Móng Cái. Phía Tây Bắc Hải Hà là vùng đồi núi thấp, phía Nam là vùng phù sa ven biển tiếp giáp dãy núi đá vôi chắn sóng gió cho vùng đất liền. Địa hình được chia thành 2 dạng địa hình chính:
Vùng đồi núi cao phía Tây Bắc: Độ cao từ 200 - 1.500m so với mặt nước biền gồm các dãy núi cao, dạng bán bình nguyên. Địa hình chia cắt nhiều tạo thành các thung lũng hẹp, chân đồi là những ruộng bậc thang. Cấu tạo địa chất của vùng chủ yếu là đá sa phiến thạch, khi phong hóa chia ra đất đỏ vàng hoặc vàng đỏ, thanh phần cơ giới trung bình. Dưới tầng đất mịn thường gặp lớp đá mẹ phong hóa mềm (vụn bở). Tùy theo địa hình mà tầng đất hình thành dày hay mỏng tập trung chính ở các xã Quảng Sơn, Quảng Đức, Quảng Thành.
Vùng trung du ven biển: Vừa có địa hình đồi núi thấp, vừa có đồng bằng xen kẽ, tập trung ở các xã ven biển như: Quảng Thắng, Quảng Minh, Quảng Trung, Quảng Điền và Quảng Phong. Địa hình vùng này thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, trồng lúa và nuôi trồng thủy sản.
Vùng đảo: Huyện Hải Hà có một xã đảo Cái Chiên với diện tích 2.549,95ha, địa hình phức tạp, giao thông gặp nhiều khó khăn, việc giao lưu với bên ngoài chủ yếu là đường thủy.
3- Khí hậu, thời tiết:
Do ảnh hưởng của vị trí địa lý và cấu trúc địa hình nên đặc trưng của khí hậu Hải Hà là khí hậu nhiệt đới duyên hải, trong năm trường chia làm hai mùa rõ rệt: Mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều từ tháng 4 đến tháng 10; mùa đông khô lạnh, có gió Đông Bắc kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau.
Nhiệt độ trung bình năm 22,4 - 23,3oC, nhiệt độ trung bình cao nhất từ 30 - 34oC, nhiệt độ trung bình thấp nhất vào mùa đông xuống đến 5 - 15oC. Biên độ nhiệt độ ngày đêm tương đối lớn từ 10 - 12oC.
Lượng mưa hàng năm khá cao nhưng không đều, mưa trung bình 3.120mm/năm; năm có lượng mưa lớn nhất đạt 3.830mm, năm có lượng mưa nhỏ nhất 3.015mm.
Huyện Hải Hà có 2 hướng gió chính là gió Đông - Bắc và Đông - Nam: Gió mùa Đông Bắc: Từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, thịnh hành là gió Bắc và gió Đông Bắc, tốc độ gió từ 2 - 4m/s. Gió mùa Đông Bắc tràn về theo đợt, mỗi đợt kéo dài từ 3 - 5 ngày, tốc độ gió trong những đợt gió mùa đạt tới cấp 5, cấp 6, gió mùa tràn về thường lạnh, giá rét; gió Đông Nam: Thịnh hành từ tháng 5 đến tháng 9 là gió Nam và Đông Nam, gió thổi từ biển vào mang theo hơi nước tạo nên không khí mát mẻ, tốc độ gió trung bình từ 2 - 4m/s.
Huyện Hải Hà là huyện ven biển nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão đổ bộ từ biển vào. Bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 10, tốc độ gió từ 20 - 40m/s, bão thường kèm theo mưa nhiều. Về mùa đông ở những vùng núi cao khi nhiệt độ xuống quá thấp sẽ xuất hiện sương muối, thường xuất hiện vào tháng 2, tháng 11 và kéo dài mỗi đợt 1 - 3 ngày.
4- Thủy văn, thủy triều:
Huyện Hải Hà có 2 con sông lớn chảy qua: Sông Hà Cối bắt nguồn từ vùng núi cao trên 500m, có chiều dài 28km, diện tích lưu vực khoảng 118,4km2, lưu lượng dòng chảy lớn nhất 1.190m3/s, lưu lượng nhỏ nhất 2,69m3/s; sông Tài Chi bắt nguồn từ vùng núi phía Bắc, có chiều dài 24,4km, diện tích lưu vực sông 82,4 km2, lưu lượng dòng chảy lớn nhất 1.490m3/s, lưu lượng nhỏ nhất 2,72m3/s.
Huyện Hải Hà có 3 hồ chứa nước ngọt: Hồ Trúc Bài Sơn nằm trên địa bàn xã Quảng Sơn, có diện tích 110ha, với dung tích thường xuyên đạt 15 triệu m3 nước; Hồ Khe Dầu thuộc xã đảo Cái Chiên, có diện tích 18ha, đây là hồ chứa nước ngọt lớn nhất trên đảo; Hồ Khe Đình - Cái Chiên có diện tích 15ha, độ sâu trung bình 4 - 6m, có hệ thống mương bê tông dẫn nước. Thủy chế các sông, suối trong vùng khá phức tạp, mà sự tương phản chính là sự phân phối dòng chảy không đều trong năm. Mùa mưa lượng nước dồn nhanh về sông chính tạo nên dòng chảy lớn và xiết. Về mùa khô, dòng chảy cạn kiệt, mực nước dòng sông rất thấp. Thủy triều vùng biển Hải Hà theo chế độ nhật triều (1 ngày, 1 đêm có lần nước triều lên xuống), biên độ triều lớn, thủy triều mạnh trong năm vào các tháng 1, 2, 6, 7, 8, 10. Sóng biển tương ứng với chế độ gió: Sóng mùa hè thường hướng Đông và Nam; mùa đông thường có hướng Bắc và Đông Bắc. Độ cao trung bình của sóng là 0,5m; bước sóng trung bình thường 30 - 40m. Nồng độ muối thay đổi theo mùa, mùa mưa từ 15 - 18%, mùa khô từ 22 - 25%.
5- Diện tích: 512,5 km2
6- Dân số:
Năm 2001: 52.061 người; Mật độ dân cư: 102 người/km2.
Năm 1010: 52.900 người
Năm 2015: 56.700 người
Năm 2016: 57.500 người
Năm 2017: 59.400 người, mật độ dân số trung bình là 116,1 người/km2
7- Các đơn vị hành chính: Gồm 1 thị trấn và 15 xã.
- Thị trấn Quảng Hà.
- Các xã: Cái Chiên, Đường Hoa, Phú Hải, Quảng Chính, Quảng Điền, Quảng Đức, Quảng Long, Quảng Minh, Quảng Phong, Quảng Sơn, Quảng Thành, Quảng Thắng, Quảng Thịnh, Quảng Trung, Tiến Tới.
8- Điểm du lịch và đặc sản của huyện:
- Xã đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà) được mọi người biết đến bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, yên bình, với những cánh rừng nguyên sinh, bãi biển trải dài, những bãi cát trắng mịn, nước biển trong xanh cùng với hàng phi lao thẳng tắp chạy dọc bãi biển.
- Đặc sản chè Đường Hoa, quế Quảng Sơn; mía tím (đóng túi hút chân không) Quảng Chính, khau nhục, ốc hương, lợn rừng, ngan Pháp, cá rô... Với những bãi triều, mặt nước biển mênh mông, Cái Chiên còn là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao tôm he, tôm hùm, cá song, sá sùng, ngọc trai...
Theo QNP