Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:48 (GMT +7)
Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí
02/03/2017 - 11:03 [GMT +7]
- Địa chỉ: Cột Đồng Hồ - Phường Quang Trung - TP Uông Bí - Tỉnh Quảng Ninh
- Điện thoại: +84 0333.854.284 - Fax: +84 0333854.181
- Email: [email protected]
1- Quá trình hình thành và phát triển:
Nhà máy Điện Uông Bí - nay là Công ty TNHH MTV Nhiệt điện Uông Bí "đứa con đầu lòng" của ngành công nghiệp Điện lực Việt Nam. Nhà máy được tiến hành xây dựng tại TP Uông bí (TX Uông Bí cũ), tỉnh Quảng Ninh, vào những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, trong thời điểm miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ I, theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, khóa III về công nghiệp hóa XHCN, trong đó: "Điện lực được ưu tiên phát triển trước một bước" để cung cấp điện năng cho phát triển kinh tế và an ninh - quốc phòng, hướng vào mục tiêu: "Xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho XHCN ở miền Bắc, làm hậu thuẫn cho miền Nam đấu tranh thống nhất nước nhà".
Trên tinh thần đó, Nhà máy Điện Uông Bí đã được khởi công xây dựng ngày 19/05/1961, nhân kỷ niệm 71 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là công trình nhiệt điện lớn nhất miền Bắc vào thập niên 60 thế kỷ XX, với sự giúp đỡ chí tình của Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô. Nhà máy Điện Uông Bí là biểu tượng cao đẹp của tinh thần quốc tế vô sản trong sáng và là bông hoa tươi thắm của tình Hữu nghị Việt - Xô.
Sau ba mươi tháng lao động vất vả, ngày 26/11/1963, dòng điện từ Uông Bí đã phát sáng, hòa vào lưới điện miền Bắc. Ngày 18/1/1964, Nhà máy khánh thành đợt I. Ngày 2/9/1965, khánh thành đợt II, đưa tổng công suất cả 2 đợt lên 48MW. Nhà máy vừa khánh thành đưa vào sản xuất thì bị chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đánh phá ác liệt. Nêu cao tinh thần "vừa sản xuất, vừa chiến đấu", tập thể CBCNVC nhà máy đã kiên cường bám trụ nhà máy để sản xuất điện cung cấp cho miền Bắc, có năm đạt 178 triệu kWh (1971).
Sau ngày đất nước được hoàn toàn giải phóng (30/04/1975), Nhà máy vừa lo lắng khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa tiếp tục mở rộng đợt III, đưa vào vận hành 22/12/1975, mở rộng đợt IV, đưa vào vận hành 07/11/1976. Đến ngày 24/12/1976, công tác phục hồi và mở rộng xây dựng mới đã hoàn toàn thắng lợi, nâng tổng công suất của 4 đợt lên 153MW, trở thành nhà máy chủ lực cung cấp điện năng sau khi nước nhà được thống nhất.
Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, với phương châm phát huy sức mạnh nội lực, lấy khoa học công nghệ làm động lực phát triển, tập thể lãnh đạo Nhà máy Điện Uông Bí cùng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ "phòng mòn" thành công, giữ được các thiết bị khi ngừng sản xuất, chống được tình trạng đóng xỉ, kéo dài chu trình vận hành lò, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thành công này đã góp phần thúc đẩy đầu tư mở rộng Nhà máy giai đoạn I (2002-2009) công suất 300MW. Hiện nay, đang hoàn thành đầu tư mở rộng Nhà máy giai đoạn II (2008-2011) công suất 330MW, nâng tổng công suất của Nhà máy lên tới 740MW.
Điện thương phẩm Uông Bí vừa góp phần vào việc phát triển kinh tế, thực hiện CNH, HĐH đất nước; vừa góp phần quan trọng đảm bảo "An ninh năng lượng quốc gia" trong hội nhập quốc tế hiện nay. Nhà máy Điện Uông Bí có bề dày phát triển, gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển của ngành công nghiệp Điện lực Việt Nam.
Trong suốt 50 năm xây dựng và phát triển, đã có 4 thế hệ kề vai sát cánh xây dựng Nhà máy: Thế hệ kháng chiến chống Pháp (1959-1964; thế hệ chống Mỹ cứu nước (1965-1975); thế hệ vượt khó thời bao cấp (1976-1986); thế hệ đổi mới và hội nhập quốc tế (1987 - đến nay). Các thế hệ đã kế tiếp nhau viết nên những trang sử hào hùng của Nhà máy Điện Uông Bí. Nhìn lại 50 năm xây dựng và phát triển, Nhà máy đã được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, của Bác Hồ kính yêu, sự giúp đỡ to lớn của nhân dân Liên Xô anh em, cùng sự phối hợp của các cấp, các ngành, sự ủng hộ và tạo điều kiện của các cấp chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, cộng với sức mạnh đoàn kết và nhất trí cao của tập thể CBCNVC Nhà máy mới có được thành quả như ngày hôm nay.
2- Thành tích đã đạt được:
- Anh hùng Lao động năm 1973
- Anh hùng LLVT nhân dân năm 1998
- Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 1996
- Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2006
- Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1973
- Huân chương Lao động hạng Nhất năm 1975
- Huân chương Lao động hạng Nhì năm 1966
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhì năm 1973
- Cờ thi đua khá nhất ngành Điện của Chỉ tịch nước tặng năm 1974
- Cờ thi đua khá nhất ngành Điện của Chỉ tịch nước tặng năm 1981
- Huân chương Lao động hạng Ba năm 1982
- Cờ thi đua của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng năm 1982
- Cờ thi đua Đơn vị xuất sắc 3 năm liên tục Bảo vệ An ninh Tổ quốc năm 1996-1998
- 2 lần được Chủ tịch nước tặng Lẵng hoa năm 1970 và 1974
- Cờ thi đua Bộ Công Thương về công tác AT-VSLĐ-PCC năm 2007
- Cờ thi đua Công đoàn Điện lực Việt Nam năm 2008
- Giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu về An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) năm 2009
- Cờ thi đua Bộ Công Thương năm 2009
- 8 Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể - tổ, kíp và cá nhân
- 13 Huân chương Chiến công cho các tập thể và cá nhân
- 207 Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Nhì cho cá nhân
- Trên 300 tập thể và cá nhân được tặng bằng khen các cấp
- Trên 800 lượt Chiến sĩ Thi đua, 85 Bằng lao động sáng tạo
- 9 lượt cá nhân đạt Chiến sĩ Thi đua cấp Bộ
- 1 Công trình được gắn biển Công trình quản lý giỏi
- Đảng bộ đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu liên tục trong 20 năm đổi mới (1990-2010)
- Công đoàn đạt Công đoàn sơ sở vững mạnh toàn diện liên tục trong 20 năm đổi mới (1990-2010)
- Đoàn thanh niên đạt danh hiệu Đoàn cơ sở vũng mạnh nhất toàn diện liên tục trong 20 năm đổi mới (1990-2010)
Nguồn: Nhietdienuongbi.vn